|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần một sàn giao dịch cà phê đúng nghĩa

21:28 | 28/10/2018
Chia sẻ
Tính ra đã gần 10 năm kể từ khi Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ở tỉnh Daklak ra đời. Dù chuẩn bị khá chu đáo, bao gồm hệ thống giao dịch điện tử, kho bãi, chế biến, các thành phần tham gia cần thiết cho một đơn vị kinh doanh giao dịch hàng hóa như chọn ngân hàng đỡ đầu, cơ quan giám định chất lượng…, trung tâm này vẫn không thể phát triển từ sau ngày khai trương vào năm 2011.
can mot san giao dich ca phe dung nghia
Ảnh: T.L

Đến năm 2015, trung tâm thay đổi chủ và trở thành Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE). Tuy nhiên, từ đó đến năm 2017, dù dưới tên mới, chủ mới, với hứa hẹn cách làm mới, cơ sở này vẫn không thu hút được khách hàng vào sàn mua bán cà phê. Mới đây, tỉnh Daklak cho phép “khai tử” sàn giao dịch ấy vì không đạt được mục tiêu và kỳ vọng ban đầu; sau hai năm kể từ ngày khai trương lại, BCCE không có một hoạt động kinh doanh nào đáng kể.

Chỉ có vai trò môi giới

Một chút đáng tiếc khi nghe tin “khai tử”’ sàn giao dịch này, nhưng nghĩ kỹ thì việc “khai tử” là hợp lý vì thật ra bản thân sàn này đã tự “chết” dần.

Nhớ lại bài trả lời phỏng vấn trên một tờ báo nhân ngày khai trương(*), ông tổng giám đốc BCCE nói rằng thông qua sàn giao dịch này, nông dân và các nhà kinh doanh cà phê nhờ đó mà không bị ép giá vì giao dịch trực tiếp, liên thông với các sàn giao dịch phái sinh ở London cho cà phê robusta và New York cho arabica, loại bỏ khâu trung gian bấy giờ là sàn kỳ hạn Sicom Singapore để giá cà phê được hưởng giá minh bạch và thăng hoa.

Nghe nói vậy, dân trong nghề cà phê hiểu ngay rằng đó là hình tướng của một nhà trung gian, môi giới cho các sàn giao dịch tài chính phái sinh của Sở Giao dịch kỳ hạn và quyền chọn tài chính quốc tế London (Liffe - London International Financial Futures and Options Exchange) và Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME-Chicago Mercantile Exchange). Đâu đợi đến năm 2015, nông dân và các nhà kinh doanh mới biết và mới tham gia giao dịch trên các sàn này! Nhiều người trong họ đã có quá nhiều kinh nghiệm giao dịch trực tiếp trên cả hai sàn kỳ hạn ấy, với đầy trải nghiệm vui buồn của thắng thua, mà “thua” là… chủ yếu.

BCCE xác định mình là nhà môi giới, cấp trung gian ăn huê hồng dù không nói thẳng ra, thì cần gì phải có kho chứa hàng thực (physical) và ngân hàng để làm trung tâm thanh toán bù trừ (clearing house) như của một sàn “mẹ”?

Theo người viết, một trong những lý do để BCCE không tìm ra hợp đồng giao dịch nào là do chấp nhận mình như là một cấp trung gian, làm môi giới hàng giấy cho các sàn tài chính phái sinh ở London và Chicago như đã nói trên.

Phải chăng chính vì thế mà có xung đột về lợi ích để ngân hàng đóng vai thanh toán bù trừ rút lui, các doanh nghiệp tham gia khai thác kho bãi và kiểm định hàng hóa chịu tốn tiền tỉ đầu tư nhân lực và vật lực cũng phải rút theo?

Sự có mặt của BCCE ở trường hợp này là thừa vì bấy giờ và ngay cả thời điểm hiện nay, đếm không hết các cấp trung gian, môi giới cho các sàn tài chính phái sinh cà phê.

Hướng đến sở giao dịch hàng hóa đúng nghĩa

Thật ra, các yêu cầu cơ bản của một sở giao dịch hàng hóa thực sự như kỳ vọng ban đầu của BCCE là hay nhưng không mấy thực tế. Vì sao? Cần có năng lực điều hành thị trường phái sinh (ở đây là cà phê) một cách chủ động, khả năng tài chính, hệ thống dữ liệu lớn, sức thu hút khách hàng thông qua năng lực thanh khoản của sàn, phương án giải quyết khủng hoảng của thị trường khi giá tăng/giảm quá đà… Khi chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố ấy thì bản thân “sở” đã không thể đứng trên đôi chân mình, chưa nói đến việc thuyết phục khách hàng.

Không chỉ một sàn BCCE, còn nhiều sàn giao dịch có hình mẫu như thế cũng chung số phận, như Sở Giao dịch hàng hóa VNX (2010), Sở Giao dịch hàng hóa Info Hà Nội (2013)… Thiết nghĩ, đó là các sàn môi giới mua bán hàng giấy cho các sàn tài chính phái sinh lớn của các trung tâm tài chính thế giới như New York, Chicago, London để ăn huê hồng. Vì thế có thể nói rằng cà phê và nhiều hàng hóa khác không cần phải có các “sở giao dịch hàng hóa” như mô hình của BCCE, vì chưng không có những sàn này thì cà phê bán vẫn chạy và hệ thống môi giới hàng giấy vẫn nhiều. Các nhà kinh doanh vẫn phải sử dụng các sàn tài chính phái sinh để bảo vệ rủi ro cho hàng hóa của mình, nhưng chắc chắn họ tìm những nơi có đủ năng lực thanh khoản và được bảo vệ an toàn khi giá trên sàn bị khủng hoảng theo hướng tăng/giảm quá đà.

Vậy thì một sở hàng hóa đúng nghĩa (cho cà phê chẳng hạn) phải là nơi giới thiệu, trao đổi, mua bán giao dịch, cơ sở dịch vụ làm, gửi và giao hàng cho cả bên mua lẫn bên bán theo yêu cầu với giá thỏa thuận. Đó cũng là nơi tạo nguồn bán hàng chiến lược của quốc gia khi cần hàng hóa như một “nắm đấm” làm xoay chuyển thị trường nếu như giá bất lợi cho nhà nông. Tuy nhiên, không nên hiểu “sở” là một nơi trữ hàng để đầu cơ giá lên.

Riêng ngành cà phê, rất cần có một sở giao dịch như thế để tạo luồng bán hàng từ nông dân về tay các nhà xuất khẩu trong nước trước khi bán cho nhà nhập khẩu. Tốt hơn nữa, nó là trung tâm kết nối giữa nhà nông với các nhà rang xay nội địa, các chuỗi tiệm cà phê phục vụ người tiêu dùng trong nước, nó cũng là nơi để giúp các nhà khởi nghiệp trẻ (startup) chọn nghề sản xuất và kinh doanh cà phê như là hướng đi cho nghề nghiệp của mình.

Đó mới là một sở giao dịch cà phê trong mơ cho một nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhưng khả năng tài chính và năng lực hội nhập thị trường tài chính còn phải cố gắng nhiều như là Việt Nam.

Nguyễn Quang Bình