Cần khơi thông vốn cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt đã xuất hiện một số mô hình sản xuất rau thủy canh đạt doanh thu trên 8 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng, cần có cơ chế tín dụng đặc thù cho lĩnh vực này.
Trong số gần 10 mô hình đang sản xuất rau thuỷ canh áp dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng, trang trại sản xuất rau xà lách của bà Phạm Thị Cúc, ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương là một điển hình. Áp dụng theo công nghệ của châu Âu nên kinh phí đầu tư cho trang trại khá lớn, mỗi ha vào khoảng 8 tỷ đồng.
Mô hình sản xuất rau xà lách thủy canh đạt doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm.
Cùng với nhà kính, cần có các thiết bị đi kèm như ống máng, dây dẫn nước, van khóa, giá đựng cây, bồn nhựa, hệ thống máy bơm… những thiết bị này đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo bà Phạm Thị Cúc, việc sản xuất rau thủy canh áp dụng công nghệ cao không khó, ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại sản phẩm chất lượng cao, doanh thu rất lớn.
“Trồng rau thủy canh cho lợi nhuận cao, công đoạn chăm sóc ít và thu hoạch cũng rất dễ dàng. Đặc biệt, rau thủy canh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước sử dụng giảm thiểu, chỉ bằng 1/4 lượng nước trồng rau dưới đất”, bà Cúc cho biết.
Từ 1.000 m2 đầu tư ban đầu, đến nay bà Phạm Thị Cúc đã mở rộng diện tích sản xuất rau thủy canh lên 1,3ha, với 16 loại rau xà lách khác nhau. Hiện bình quân mỗi ngày 1ha cho thu hoạch được khoảng 800 kg rau xà lách thành phẩm, với giá bán sỉ theo hợp đồng cho các siêu thị là 40.000 đồng/kg. Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau được sản xuất bằng phương thức thủy canh này rất lớn nên không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm.
“Từ tháng 6/2015 đến nay, rau của trang trại không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với giá bán 40.000 đồng/kg, doanh thu từ rau thủy canh trồng trên 1 ha sẽ rất lớn. Hiện nay, người tiêu dùng đang quan tâm tới những nông sản chất lượng cao nên dự báo sẽ còn thiếu nguồn sản phẩm để cung cấp cho thị trường”, bà Cúc nói.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương đã được nâng lên một bước mới, với chất lượng sản phẩm và giá trị canh tác trên cùng đơn vị diện tích đều tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư, nên để phổ biến và nhân rộng những mô hình sản xuất rau thủy canh như trang trại bà Phạm Thị Cúc ra diện rộng là điều rất khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn, giá trị đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn lớn hơn giá trị đất, trong khi đó tài sản đảm bảo thì không được ngân hàng chấp nhận, do đó nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang rất bế tắc. Trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dành một khoản tín dụng từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng phục vụ chương trình nông nghiệp công nghệ cao.
“Chúng tôi cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, do đó chúng tôi sẽ tranh thủ nguồn vốn này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, định hướng các doanh nghiệp làm ra những sản phẩm công nghệ cao đột phá, để thực hiện mục tiêu về phát triển công nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại”, ông S cho biết.
Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, tỉnh Lâm Đồng lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhất là các sản phẩm rau, hoa, chè, cà phê, chăn nuôi bò sữa và nuôi cá nước lạnh. Hiện các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã có mặt ở khắp các thị trường trong nước và xuất khẩu, và đã có một thương hiệu nhất định trong người tiêu dùng.
Một khi vấn đề nguồn vốn đầu tư được khơi thông, chắc chắn ngành nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sớm đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh có nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại theo mục tiêu mà nghị quyết Đảng bộ của tỉnh này đã đặt ra./.