|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần có cơ chế đặc thù để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi

22:37 | 15/12/2023
Chia sẻ
Thực tế triển khai dự án điện khí, điện gió cần khoảng thời gian từ 6-8 năm. Do đó, cần có cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ các dự án này.

Tại cuộc họp hôm 15/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia.

Thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm: lựa chọn nhà đầu tư, lập, phê duyệt FS, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. 

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. 

“Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ”, Bộ trưởng cho biết. 

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150 GW. Con số này gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW. Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW). 

Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà carbon đến năm 2050. Bởi, các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

H.Mĩ