|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cán cân thương mại xuất siêu 13 tháng liên tiếp

09:43 | 29/08/2023
Chia sẻ
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kể từ tháng 8/2022 đến nay, cán cân thương mại của nước ta liên tục nghiêng về xuất siêu. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,2 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16%.

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,9 tỷ USD, tăng 7% so với tháng trước nhưng giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 8 tiếp tục xuất siêu 3,9 tỷ USD, đây cũng là tháng thứ 13 liên tiếp nước ta thăng dư thương mại.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,2 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16%.

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu 20,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,2 tỷ USD.

 Nguồn: GSO.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,4 tỷ USD, tăng 8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7%.

 

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,9 tỷ USD, giảm 9%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,8 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 74%.

Trong 8 tháng năm nay, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm nay, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,3 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu

 Nguồn: GSO.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73,9 tỷ USD, giảm 15%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,6 tỷ USD, giảm 17%.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 194,6 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 12,87 tỷ USD, chiếm 6,2%.

 

 

 

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

Xuất siêu sang Mỹ ước đạt 53 tỷ USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 10%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD).

Ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 35%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38%.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).