Cần 2 tuần mới có thể đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu dầu thô
Theo Energy World, mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2021 chỉ tăng 5,5 triệu thùng lên 96,3 triệu thùng.
Chuyên gia Howie Lee đến từ ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định: "Chúng tôi cần ít nhất 2 tuần để xác định chủng biến thể Omicron ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu dầu thô".
Biên lợi nhuận các công ty khác thác dầu mỏ châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua trong bối cảnh thị trường lo ngại chủng biến thể COVID-19 Omicron có thể “thổi bay” đà phục hồi của nhu cầu.
Chính phủ các nước trên thế giới đã áp lệnh cấm người nhập cảnh từ các Nam Phi nhằm hạn chế sự lây lan của chủng Omicron. Các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu liệu rằng Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn và triệu chứng nặng hơn so với các biến chủng hiện tại không.
Các chuyên gia lo ngại Omicron có thể tác động đến nhu cầu dầu mỏ, đồng thời cản trở đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Chưa kể, một số còn cảnh báo tình trạng dư cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong quý I năm tới.
Ngay từ đầu tuần mới, OPEC+ đã quyết định dời các phiên họp kỹ thuật sang giữa tuần để có thêm thời gian đánh giá tác động của biến chủng Omicron đối với nhu cầu và giá dầu thô.
Ông Tatsufumi Okoshi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy thị trường năng lượng đã có một số điều chỉnh do cú lao dốc cuối tuần trước diễn ra quá khủng khiếp".
Hiện tại, OPEC+ chỉ bơm thêm khoảng 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng mạnh tay hơn từ các khách hàng lớn như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
So với trước đại dịch, mức sản lượng hiện nay của OPEC+ vẫn còn thấp hơn khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích cho rằng liên minh dầu mỏ có thể tạm thời "khóa vòi" sau tuyên bố xả kho dự trữ của Mỹ và các đồng minh, cũng như do ảnh hưởng tiềm tàng của biến chủng mới.
Biên lợi nhuận của các công ty khai thác dầu tại châu Á và Châu Âu đã chịu ảnh hưởng trong vài tuần trở lại đây do nhiều nước Châu Âu áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các ca lây nhiễm mới.
Trước đó, hôm thứ Sáu tuần trước giá dầu thô lao dốc tới 10%, mức giảm mạnh nhất kể từ 4/2020. Điều này kéo theo biên lợi nhuận của các nhà khai thác dầu ở châu Á chỉ 2,15 USD/thùng, trong khi đó, con số này cách đây một tháng là 8,5 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm.