Campuchia xem xét giảm thuế xuất khẩu cao su
Campuchia nỗ lực gỡ khó cho ngành cao su
Mặc dù lượng cao su khô xuất khẩu của Campuchia năm ngoái tăng nhưng lợi nhuận thu về giảm gần 4% so với năm 2017 do giá thấp, theo trang Khmer Times.
Xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận ít
Theo đó, năm 2018, Campuchia xuất khẩu 215.000 tấn cao su kho, tăng 15% so với năm 2017.
Tuy nhiên, giá mặt hàng này lại giảm xuống còn 1.319 USD/tấn kéo doanh thu giảm gần 4%.
Ông Pol Sopha, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý cao su thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, cho biết cả nước có hơn 436.000 cây cao su, trong đó gần 202.000 cây đã cho thu hoạch vào năm 2018.
Ông Sopha cho hay Campuchia đã sản xuất khoảng 220.100 tấn cao su trong năm 2018 và xuất khẩu khảong 217.500 tấn, chủ yếu đến các thị trường như Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Giảm thuế xuất khẩu để thu hút đầu tư
Đầu tháng 1, Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su nhằm tạo sức hút cho đầu tư.
Bộ trưởng Veng Sakhon cho hay một trong những đề xuất là những lô hàng có giá trị dưới 2.000 USD/tấn sẽ không bị đánh thuế.
Chính phủ Campuchia hiện đánh thuế 50 USD/tấn cao su xuất khẩu nếu giá của lô hàng có giá 1.000 - 2.000 USD/tấn và mức thuế 100 USD/tấn nếu giá vượt ngưỡng 2.000 USD/tấn. Những lô hàng có giá dưới mức 1.000 USD/tấn không bị đánh thuế.
Đề xuất này nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu lớn trong ngành cao su, những người từng yêu cầu chính phủ giảm thuế để giảm giá thành sản xuất.
Bộ trưởng Veng Sakhon cho biết Bộ Nông nghiệp sẽ gửi đề xuất này lên Thủ tướng Hun Sen trong tương lai gần.
Ông Lim Heng, phó chủ tịch tập đoàn An Mady Group, bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này.
“Nếu đề xuất này được thông qua, ngành sản xuất cao su nội địa sẽ giảm được rất nhiều chi phí sản xuất. Hiện nay, biên lợi nhuận của chúng tôi rất nhỏ. Việc điều chỉnh thuế xuất khẩu sẽ giúp các công ty trong ngành có thể tồn tại”, ông Heng cho hay.
Gần đây, chính phủ tuyên bố xóa bỏ cơ quan quả lí cấp huyện cũng như Cơ quan Vận chuyển và Môi giới Kampuchea (hay còn gọi là Kamsab) nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần giúp giá bán các sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, việc xóa bỏ Kamsab sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều hơn: “Kamsab phải chịu trách nhiệm cho khoản tổn thất 500.000 USD/năm của Campuchia.
Việc xóa bỏ cơ quan này sẽ giúp nền kinh tế Campuchia trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời giúp thương mại thông thoáng hơn. Những đợt cải tổ như này sẽ giúp nền kinh tế nước nhà phát triển thêm vững mạnh”.
Campuchia xem xét giảm thuế xuất khẩu cao su. Ảnh minh họa |
Sản lượng cao su thế giới dự báo tiếp tục tăng
Theo Cục Xuất nhập khẩu, sản lượng cao su thế giới năm 2019 dự báo đạt 14,84 triệu tấn, gần cân bằng với mức tiêu thụ. Năng suất cao su trung bình trên mỗi ha dự báo vẫn giữ nguyên như năm 2018, nhưng nhiều diện tích cao su đến độ cho thu hoạch nhiều mủ nhất, nên mức tăng sản lượng có sự khác biệt lớn giữa các nước sản xuất.
Giai đoạn 2010 - 2012, giá cao su thế giới đạt mức cao đỉnh điểm, dẫn đến diện tích trồng cao su thời điểm đó tăng lên và bắt đầu từ năm 2019, một phần trong số đó sẽ bắt đầu cho thu hoạch mủ.
Trong đó, diện tích cao su thu hoạch mủ ở Thái Lan dự kiến sẽ tăng khoảng 200.000 ha trong năm 2019; diện tích cao su đến thời điểm cho sản lượng mủ cao nhất ở Bờ Biển Ngà, Myanmar, Campuchia, Lào và Brazil cũng tăng. Trong khi, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ sản lượng dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ.