|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thói quen giờ cao su ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ra sao?

22:30 | 18/03/2019
Chia sẻ
Thói quen giờ cao su chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Ấn Độ, Việt Nam - nơi sự chậm trễ ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa và thực hiện các dự án.

Thói quen giờ cao su ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Chuyến tàu đi qua Darjeeling và đưa khách du lịch đến tận Bhutan và Nepal trung bình chậm 20 giờ đồng hồ so với lịch trình.

Trên toàn thế giới, thói quen về thời gian rất khác nhau tùy theo văn hóa. Ở Nhật Bản, việc đúng giờ là vô cùng quan trọng, nhưng ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia, thời gian hẹn được coi là linh hoạt và thường được gọi là giờ cao su. Đặc biệt là ở Ấn Độ, một quốc gia nổi tiếng với việc không đúng giờ, thời gian theo tiêu chuẩn Ấn Độ là một cái cớ cho việc đến muộn trong bất kỳ sự kiện nào.

Một trong những ví dụ tốt nhất về thời gian theo chuẩn Ấn Độ là hệ thống đường sắt mở rộng của đất nước.

Được tạo thành từ hơn 7.349 nhà ga và phục vụ hơn 8 tỷ hành khách mỗi năm, hệ thống đường sắt Ấn Độ là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới. Thật không may, nó cũng thuộc nhóm không hiệu quả nhất và nổi tiếng với sự chậm trễ kéo dài hàng giờ và có cả dịch vụ cho khách hàng đến muộn. Năm 2018, trong bảng xếp hạng Diễn đàn kinh tế thế giới về hiệu quả của hệ thống đường sắt, nó đứng thứ 24 khi Nhật Bản giành ngôi thứ hai sau Thụy Sĩ.

Nhưng ngay cả thứ hạng đó cũng có vẻ tâng bốc đối với ga đường sắt New Jalpaiguri Express (NJP) vốn khét tiếng vì sự chậm trễ. Chuyến tàu đi qua Darjeeling và đưa khách du lịch đến tận Bhutan và Nepal, đã dành được danh hiệu chuyến tàu chậm nhất Ấn Độ trong nửa cuối năm 2018. Theo báo chí địa phương, trung bình chuyến tàu này chậm hơn 20 giờ đồng hồ so với lịch trình.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông xã hội cũng có đầy đủ các đánh giá về NJP. Hiện tại, nó đang chậm 3 giờ đồng hồ so với lịch trình.

Theo báo cáo của Monica Verma, cựu nhà báo và nhà nghiên cứu chuyên về kinh tế chính trị Nam Á tại Đại học Nam Á ở New Delhi, Ấn Độ, văn hóa chậm trễ của Ấn Độ không chỉ dừng lại ở các chuyến tàu chạy muộn mà còn có tác động kinh tế rất thực tế.

"Vấn đề về sự chậm trễ chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Ấn Độ, nơi sự chậm trễ ảnh hưởng đến việc giao hàng và thực hiện các dự án", nữ nhà báo nói.

Giờ cao su là một khiếu nại rất lớn mà khu vực tư nhân thường bức xúc về thái độ của chính quyền. Hơn nữa, Ấn Độ cũng liên kết kém với các chuỗi giá trị toàn cầu vì lý do này.

Nhưng như người xưa vẫn nói, thời gian chữa lành mọi thứ, và Verma đã nhận thấy một sự thay đổi thế hệ rất lớn trong cách nhận thức về giờ cao su trong nước khi các thế hệ trẻ ngày càng có ý thức về sự đúng giờ.

"Các doanh nhân trẻ Ấn Độ đang cảm thấy khó khăn trong việc kinh doanh vì thói quen giờ cao su nên đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, đó mới chỉ là số ít, vẫn còn rất nhiều người nữa phải thay đổi thói quen sinh hoạt này", Verma nói thêm.

Hồng Vân