|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cầm cố cổ phiếu bất động sản phát hành trái phiếu: Nỗi lo đỡ giá khi thị trường lao dốc

06:40 | 16/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán lao dốc, nỗi lo hiện hữu với nhà đầu tư khi giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp địa ốc giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện những công ty đăng kí mua vào cổ phiếu quĩ.

Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu: Mã giữ giá, mã lao dốc

Năm 2019 được xem như năm bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Thống kê từ HNX trong năm 2019 cho thấy có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300.588 tỉ đồng trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỉ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Trong số đó, các doanh nghiệp địa ốc chiếm phân nửa.

Trên thực tế, nhiều loại hình tài sản đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng thương mại như quyền sử dụng đất, tài sản hình thành của dự án, không ít doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lựa chọn phương án sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo khi phát hành.

Theo tổng hợp của người viết, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản thế chấp là cổ phiếu như Văn Phú – Invest (30 triệu cổ phiếu VPI), Đạt Phương (gần 3,5 triệu cổ phiếu DPG), Đất Xanh (toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu LDG do Đất Xanh sở hữu và sở hữu của các công ty con), Phát Đạt (gần 60 triệu cổ phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông)…

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục có những phiên bán tháo do những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản thế chấp lao dốc trở thành mối quan tâm của không ít nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu.

Những lo ngại trên là có cơ sở khi trong lịch sử từng có những trường hợp các nhà băng phải bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ vay. Điển hình, Ngân hàng Bản Việt từng giải chấp 2,62 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai. Cùng với đó, ACB cũng giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG.

Quan sát diễn biến giá cổ phiếu tại một số doanh nghiệp sử dụng cổ phần làm tài sản thế chấp như đã nêu trên, cổ phiếu VPI và PDR ổn định về giá khi chỉ giảm nhẹ 2 – 3% so với thời điểm đầu năm. Mức giảm này thấp hơn đáng kể so với mức giảm 21,2% của thị trường chung.

Tuy nhiên, cổ phiếu DPG của Đạt Phương lại giảm giá đến 39,07% so với cuối năm 2019. Cùng với đó, tài sản thế chấp của Đất Xanh (Mã: DXG) là cổ phiếu LDG cũng giảm giá đến 27,8%.

Hậu bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp: Công ty địa ốc bắt đầu đỡ giá khi cầm cố cổ phiếu để phát hành - Ảnh 1.

Diễn biến giá một số cổ phiếu được sử dụng để làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu. Nguồn: VNDirect

Câu chuyện thế chấp cổ phiếu DPG: Chắc ăn như ngân hàng, doanh nghiệp bắt đầu đỡ giá

Liên quan đến câu chuyện giá cổ phiếu lao đốc khi sử dụng làm tài sản thế chấp, người viết dẫn chứng trường hợp mã DPG của CTCP Đạt Phương.

Được biết, cuối tháng 12 năm 2019, công ty này có hai đợt phát hành trái phiếu với giá trị 111,9 tỉ đồng. Đợt 1, Đạt Phương phát hành 81 tỉ đồng trái phiếu trên tổng mức dự kiến 300 tỉ đồng. Kì hạn trái phiếu là 2 năm và lãi suất là 11,5%.

Kết quả là, nhà đầu tư cá nhân đã nắm giữ 87,65% giá trị trái phiếu phát hành trong đợt 1 (tương ứng 71 tỉ đồng) và nhà đầu tư tổ chức nắm giữ phần còn lại (tương ứng 10 tỉ đồng).

Trong đợt 2, Đạt Phương tiếp tục phát hành 30,9 tỉ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.

Tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu là cổ phiếu DPG thuộc sở hữu của ban lãnh đạo công ty, ít nhất bằng 150% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Theo quyết định của công ty, tài sản đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu trong đợt 1 là 3,44 triệu cổ phiếu DPG.

Căn cứ theo thông tin phát hành trái phiếu, giá trị cổ phần niêm yết dùng để đảm bảo (tính theo giá trị trái phiếu) là 167,85 tỉ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, giá cổ phiếu DPG ở 24.800 đồng/cp. Như vậy, số cổ phần tương ứng để sử dụng làm tài sản đảm bảo 6,77 triệu cổ phiếu DPG. Tức HĐQT của Đạt Phương phải bổ sung thêm cổ phần làm tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, giả định này chưa tính đến kì hạn chốt giá để tính giá trị tài sản đảm bảo hay kịch bản ban lãnh đạo công ty đã sử dụng một số lượng cổ phần lớn hơn để đảm bảo.

Cập nhật dữ liệu từ báo cáo quản trị Đạt Phương, tính đến cuối năm 2019, HĐQT của Đạt Phương đang sở hữu tổng cộng 16,91 triệu cổ phiếu DPG. Như vậy, số cổ phần đảm bảo trên vẫn đang thấp hơn đáng kể so với tổng cộng số cổ phần cần sử dụng để đảm bảo.

Hậu bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp: Công ty địa ốc bắt đầu đỡ giá khi cầm cố cổ phiếu để phát hành - Ảnh 2.

Sở hữu cổ phần của lãnh đạo Đạt Phương. Nguồn: Báo cáo quản trị 2019

Nhưng công bằng để nói rằng, không có gì có thể nói trước trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu đang phủ một màu tối. Trường hợp cổ phiếu HNG được Hoàng Anh Gia Lai mang đi thế chấp là bài học nhãn tiền.

Rõ ràng hơn về đánh giá rủi ro với các nghĩa vụ vay trên việc đảm bảo bằng trái phiếu, các nhà băng cũng phần nào thận trọng hơn. Đơn cử, VietinBank đang cầm cố cổ phiếu DPG với giá trị cổ phiếu tương ứng 10.000 đồng/cp. Ông Lương Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Đạt Phương và vợ là bà Trần Thị Thúy Hằng đang thế chấp 1,1 triệu cp tại VietinBank – Chi nhánh 12 TP HCM với giá trị 11 tỉ đồng.

Hậu bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp: Công ty địa ốc bắt đầu đỡ giá khi cầm cố cổ phiếu để phát hành - Ảnh 3.

Lãnh đạo Đạt Phương thế chấp cổ phiếu DPG với giá 10.000 đồng/cp.

Bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc như hiện tại, nỗi lo về giá cổ phiếu dùng làm tài sản thế chấp phát hành trái phiếu hiện hữu với cả tổ chức phát hành và những người đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Gần đây nhất, khi giá cổ phiếu DPG giảm sâu, Đạt Phương có động thái đỡ giá khi đăng kí mua vào tối đa 1,5 triệu cổ phiếu quĩ. Thời gian giao dịch từ 18/3 đến 17/4 theo phương thức khớp lệnh.

Lợi Hoàng