|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cải cách thể chế bằng hành động

07:37 | 07/11/2017
Chia sẻ
Theo đánh giá của Doing Business 2018, một nghiên cứu theo dõi mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100.

Đây có thể là một tín hiệu đáng mừng và là lời mời gọi sinh động nhất đối với đầu tư trong bối cảnh hội nhập và những biến động kinh tế thế giới đang ngày càng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

cai cach the che bang hanh dong
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại chi cục thuế tỉnh Tuyên Quang.

Kết quả của “Chính phủ hành động”

Nhưng nhìn ở một góc độ khác, đây chính là kết quả của việc thực hiện “liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm phương châm xây dựng Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Nếu xét từ năm 2016 đến nay, những hành động của Thủ tướng và Chính phủ đã và đang mang lại những kết quả khả quan. Năm 2016, có hơn 110.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường sau khi Thủ tướng giải quyết thấu đáo vụ “hình sự hóa” quán cà phê Xin Chào ngay trước thềm cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp ngày 29-4-2016. Cũng tại cuộc gặp này, những định hướng như “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, “tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, “không phân biệt đối xử doanh nghiệp nhà nước và tư nhân” đã thổi một luồng gió mới vào môi trường kinh doanh.

Nhưng không chỉ có thế, tháng 6/2016, cuộc chiến cắt giảm các điều kiện kinh doanh vô lý, vi hiến, trái luật… được tiến hành. Hàng trăm điều kiện đã được bãi bỏ, hàng chục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được đưa ra khỏi phụ lục IV của Luật Đầu tư bằng một đạo luật do Quốc hội phê chuẩn. Dư âm và tác động tích cực của nó vẫn kéo dài cho đến tận hôm nay khi trong 10 tháng từ đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét: “Đó là một kỳ tích, là minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp và niềm tin của giới doanh nhân vào môi trường kinh doanh, vào sự điều hành của Chính phủ”.

Điều đáng ghi nhận là những hành động kiến tạo ấy của Chính phủ vẫn chưa dừng lại. Quyết tâm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam trở thành một môi trường thông thoáng, hấp dẫn và an toàn vẫn đang được triển khai.

6 chỉ số thành phần của Việt Nam tăng hạng theo công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018:

- Chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). - Chỉ số Tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 (tăng 32 bậc). - Chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190. Chỉ số này được ghi nhận cải cách nhờ mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm.- Chỉ số Cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái (thứ hạng 24).- Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 81/190, tăng 6 bậc (thứ hạng 87).- Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 3 bậc, từ vị trí 69 lên vị trí 66/190.

Trong tháng 7, tháng 8/2017, Thủ tướng và Chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh vô lý đang tiếp tục cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Những chỉ thị như: áp dụng tiêu chuẩn của OECD để cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ không chịu cải cách… của Thủ tướng đã có hiệu ứng lớn.

13 bộ đã tụ hội lại với nhau để bàn cách cắt giảm các điều kiện kinh doanh trên mọi lĩnh vực. Bộ Công Thương tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh trong số 1220 điều kiện mà ngành này đang nắm giữ. Các bộ khác như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học Công nghệ… đã nối dài hơn những hành động này bằng những kế hoạch cắt giảm các điều kiện kinh doanh cụ thể. Tất cả đang vào cuộc vì một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và hợp hiến, dẫu cho quá trình cắt giảm ấy đều phải tuân thủ những bước đi nghiêm ngặt của quá trình lập pháp.

Hiện thực hóa tuyên bố: “Năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp”

Còn nhớ, tại cuộc gặp gỡ cộng đồng kinh doanh ngày 17/5, cũng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi lắng nghe nhiều phản ánh của doanh nghiệp đã lập tức ký Quyết định 20. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm. Điều này hiện thực hóa đúng tuyên bố “năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp” mà đích thân Thủ tướng đã đưa ra.

Có thể vẫn còn đó những cuộc kiểm tra mà doanh nghiệp chưa hài lòng, nhưng đáng nói tính phổ biến của tình trạng này đã giảm dần và thay vào đó là những hành động kiến tạo. Tuyên bố không phân biệt các loại hình kinh tế hồi tháng 5-2017 dù chưa đem lại hiệu quả tức thời, nhưng rõ ràng quyết tâm chính trị, vốn là nền tảng cho những quyết sách hợp quy luật thị trường, đã dần hiện hữu.

Dễ thấy nhất là Nghị quyết Trung ương 5 mới đây đã dành hẳn một phần lớn nói về kinh tế tư nhân theo đúng tinh thần “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” mà Đảng đã xác định. Nhận thức về kinh tế tư nhân, dù được thể chế hóa muộn màng hơn so với kỳ vọng, cũng trở thành “kim chỉ nam” cho mọi quyết sách lớn trong tương lai.

Cộng đồng kinh doanh, nhất là kinh tế tư nhân, đã từng thổ lộ với Thủ tướng trong Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 rằng: “Mong muốn có một Chính phủ hành động”. Hẳn nhiên, đó là một mong ước chính đáng và cũng là bản chất của một Chính phủ kiến tạo. Bởi chỉ có hành động cụ thể, như việc thành lập Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân mới đây, mới có thể làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam từng bước trở nên tiên tiến, hiện đại và hấp dẫn.

Chúng ta có quyền hy vọng về điều này.

cai cach the che bang hanh dong TP. Hồ Chí Minh tìm cơ chế đặc thù

Thành phố có tỷ lệ nộp thu ngân sách cao nhất nhưng lại có mức chi khá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền ...

Đại Dương