|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cái bắt tay của Big Tech Trung Quốc nhằm thoát vòng kiềm toả công nghệ Mỹ

09:39 | 15/11/2023
Chia sẻ
Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc gồm JD.com, NetEase và Meituan gấp rút thuê các đơn vị phát triển ứng dụng dựa trên HarmonyOS của Huawei, đặt mục tiêu cắt đứt quan hệ với Android.

Ảnh minh hoạ:Shutterstock.

Tờ South China Morning Post đưa tin các công ty công nghệ lớn Trung Quốc đang lôi kéo nhà phát triển ứng dụng cho các dự án trên nền tảng hệ điều hành HarmonyOS của Huawei. Mục tiêu loại bỏ dần sự ảnh hưởng của Android do Google phát triển.

Các gã khổng lồ tham gia vào cuộc đua này gồm sàn thương mại điện tử JD.com, ứng dụng giao đồ ăn Meituan, công ty phát triển game NetEase. 

Chẳng hạn, Meituan - công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, đang tích cực tuyển dụng kỹ sư cơ sở hạ tầng phát triển ứng dụng trên HarmonyOS. Công ty đưa ra mức lương từ 40.000 tới 60.000 nhân dân tệ/tháng cho các nhà phát triển ứng dụng “có kinh nghiệm trên HarmonyOS”.

JD.com và NetEase đang tìm kiếm các nhà phát triển có các ứng dụng cụ thể được thiết kế cho điện thoại thông minh của Huawei.

HarmonyOS - hệ điều hành di động tự phát triển của Huawei Technologies, được thiết kế để chạy trên nhiều thiết bị nhằm cạnh tranh với nền tảng Android được sử dụng phổ biến của Google.

Đầu năm nay, nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, đặt mục tiêu đưa HarmonyOS trở thành hệ sinh thái thay thế tại Trung Quốc đại lục, nhằm chống lại tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tại Hội nghị nhà phát triển hàng năm, ông Richard Yu Chengdong - Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết phiên bản tiếp theo HarmonyOS Next sẽ loại bỏ hoàn toàn việc hỗ trợ cho các ứng dụng Android. Công ty dự kiến tung ra bản xem trước dành cho nhà phát triển vào quý đầu năm sau.

HarmonyOS ra mắt tháng 8/2019 - chỉ ba tháng sau khi Huawei bị liệt vào danh sách đen của Washington. Công ty bị cấm mua phần mềm, chip và các công nghệ khác từ các doanh nghiệp Mỹ, trong đó bao gồm các ứng dụng và dịch vụ của Google, nếu chưa được Washington chấp thuận.

Theo dữ liệu từ StatCounter, tính đến tháng 9, Android của Google vẫn là hệ điều hành di động phổ biến nhất trên toàn thế giới, chiếm khoảng 70% thị phần.

Sự tự tin của Huawei trong chiến lược phát triển hệ sinh thái thay thế tại đại lục càng lớn hơn khi vào cuối tháng 8, công ty ra mắt chiếc smartphone Mate 60 Pro - chiếc điện thoại 5G đầu tiên kể từ cuối năm 2020. 

Việc mang 5G trở lại với các dòng điện thoại Huawei đã tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng Trung Quốc. Trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng ca ngợi smartphone 5G của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến là biểu tượng cho chiến thắng của Trung Quốc trong việc thách thức lệnh trừng phạt cứng rắn từ Mỹ.

Sau thành công của Mate 60 Pro, Huawei đã vươn lên trở thành nhà cung cấp smartphone tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc đại lục trong quý III, với mức tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo phát hành tháng 10 của Counterpoint Research.

Đức Huy (theo South China Morning Post)

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.