Các vấn đề chờ đón công ty mẹ TikTok trong năm 2023: Giải quyết những rắc rối tại Mỹ, xử lý kế hoạch IPO còn dang dở
Theo các nhà phân tích, năm 2023 sẽ là cột mốc quan trọng đối với kỳ lân lớn nhất Trung Quốc, ByteDance, vì công ty này phải đối mặt với những bất ổn về vấn đề chính trị đang diễn ra tại Mỹ liên quan đến ứng dụng TikTok nổi tiếng của mình, theo South China Morning Post. Trong khi đó, các chính sách của Bắc Kinh sẽ tiếp tục định hình những hoạt động của công ty mẹ TikTok tại thị trường quê nhà.
Vấn đề gây nhiều rắc rối nhất đối với ByteDance là tương lai của TikTok, ứng dụng đầu tiên thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc có khả năng tiếp cận toàn cầu, vì thỏa thuận bảo mật của ứng dụng này với chính quyền Biden để tiếp tục hoạt động ở Mỹ đã bị trì hoãn do phản ứng ngày càng gay gắt từ các chính trị gia Mỹ, những người đặt câu hỏi về tính bảo mật dữ liệu của TikTok.
TikTok bị cấm trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý, trong khi ít nhất 19 tiểu bang đã chặn ứng dụng này khỏi các thiết bị do nhà nước quản lý và một số nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn.
Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin rằng Nhà Trắng cũng đang xem xét lại việc yêu cầu ByteDance phải đạt thỏa thuận bán phần hoạt động của TikTok tại Mỹ, hai năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump không làm như vậy.
Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách công của Facebook cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ buộc ByteDance bán phần hoạt động của TikTok tại Mỹ. Tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư của TikTok sẽ chấp nhận việc đóng cửa ở Mỹ và chính phủ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dân Mỹ nếu họ cố gắng cấm ứng dụng này. Do đó, việc bán TikTok là quyết định khả thi nhất”.
Tuy nhiên, việc buộc ByteDance phải bán TikTok, ứng dụng đã đạt 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, có thể gặp khó khăn vì chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng phủ quyết một thỏa thuận như vậy. Theo quy định kiểm soát xuất khẩu do Bắc Kinh đưa ra vào năm 2020, việc xuất khẩu thuật toán, yếu tố cốt lõi mang lại thành công cho TikTok, cần có sự chấp thuận của Bắc Kinh.
Công ty mẹ TikTok gặp khó trong một số mảng kinh doanh khác
Đối với ByteDance, TikTok là một trong 6 mảng kinh doanh cốt lõi và được coi là một trong những tài sản giá trị nhất của công ty. Phiên bản Trung Quốc của TikTok, Douyin, có 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày tại thị trường quê nhà và vẫn là nguồn doanh thu chính của ByteDance.
Hoạt động kinh doanh giáo dục đầy tham vọng của ByteDance, từng được người sáng lập Zhang Yiming coi là lĩnh vực then chốt cho tương lai, đã bị bóp nghẹt bởi lệnh cấm dạy thêm của Bắc Kinh, trong khi dự án kinh doanh trò chơi điện tử của ByteDance cũng gặp khó khăn trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quy định với ngành game.
Giám đốc điều hành ByteDance Liang Rubo cho biết tại cuộc họp ở tòa thị chính vào tháng 12/2022 rằng công ty cần “lấy lại vóc dáng cân đối và tăng cường sức mạnh”, một cụm từ mà ông đã nhiều lần sử dụng để kêu gọi hợp lý hóa các hoạt động của doanh nghiệp.
Kế hoạch IPO dang dở
Trong khi đó, các kế hoạch IPO của công ty vẫn chưa được triển khai. ByteDance đã mua lại số lượng cổ phiếu trị giá 3 tỷ USD vào tháng 9/2022 từ các cổ đông để trấn an những nhà đầu tư ban đầu, những người ngày càng mất kiên nhẫn về kế hoạch IPO của công ty. Giao dịch đó đã đưa mức định giá của ByteDance các mốc 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo một báo cáo trên nền tảng truyền thông công nghệ Trung Quốc 36Kr, một cổ đông giấu tên đã chào bán cổ phần ByteDance của mình với mức định giá 211 tỷ USD vào tháng 12, gần bằng một nửa mức định giá cao nhất mà ByteDance từng ghi nhận là 400 tỷ USD trên thị trường chứng khoán thứ cấp vào năm 2021.
Một nhà đầu tư ban đầu vào ByteDance cho biết công ty không gấp rút lên kế hoạch IPO, đồng thời nói thêm rằng không có lịch trình cố định. “Có quá nhiều điều không chắc chắn”, nguồn tin cho biết. ByteDance đã thực hiện một số quyết định vào năm 2022 mà nhiều người coi là bước chuẩn bị sơ bộ cho đợt IPO ở Hong Kong.
Bất chấp những trở ngại chính trị ở Mỹ và sự khó đoán định về quy định của Bắc Kinh, ByteDance vẫn là “một ông kẹ” trên thị trường công nghệ và internet. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của ByteDance đang trực tiếp thách thức những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba Group Holding. Ngoài ra, công ty mẹ TikTok cũng đã hợp tác với các công ty dịch vụ giao hàng để trở thành kẻ thách thức Meituan trên thị trường dịch vụ địa phương ở Trung Quốc.
Tại Mỹ, TikTok Shop, một tính năng mua sắm trong ứng dụng TikTok, đã được ra mắt để thu hút người bán và người tiêu dùng bất chấp sự giám sát chặt chẽ của các nhà lập pháp. Ông Harbath cho biết ứng dụng TikTok đang ngày càng trở nên phổ biến đối với giới trẻ Mỹ.