Các 'trung tâm' may mặc châu Á trước nguy cơ thiệt hại 65 tỷ USD vì thời tiết cực đoan
Nghiên cứu này được coi là lời cảnh tỉnh cho cả ngành may mặc đang phải đối mặt với chi phí tài chính đáng kể và các nhà đầu tư đang phải đối mặt với thông tin thưa thớt về mức độ rủi ro của các công ty.
Jason Judd, Giám đốc điều hành của Viện Lao động Toàn cầu Cornell, cho biết trong số các nhà cung cấp và người mua, không ai chú ý đến vấn đề nhiệt độ và lũ lụt. Theo ông Judd, phản ứng của ngành may mặc chủ yếu là về giảm thiểu, phát thải và tái chế, còn vấn đề lũ lụt và nắng nóng hầu như không có.
Trong bối cảnh thế giới đang nóng lên, việc các công ty hiểu rõ những rủi ro vật chất liên quan đến khí hậu là rất quan trọng, tuy nhiên, thông tin ban đầu vẫn còn sơ khai khi rất ít doanh nghiệp tiết lộ đủ thông tin và ít nhà đầu tư thực hiện các đánh giá đúng đắn.
Angus Bauer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của Schroders, cho biết có quá ít dữ liệu về vấn đề này và có một số thương hiệu may mặc không tiết lộ địa điểm nhà máy của các nhà cung cấp của họ.
Ông Bauer cho hay Schroders, công ty quản lý tài sản trị giá hơn 700 tỷ bảng Anh (874 tỷ USD), sẽ tăng cường sự tham gia với các công ty về việc tiết lộ thông tin của họ và kêu gọi các công ty hợp tác với các nhà cung cấp và nhà hoạch định chính sách để xây dựng các chiến lược thích ứng có tính đến tác động đối với người lao động.
Bằng cách sử dụng các dự báo, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ nắng nóng và lũ lụt trong tương lai để ước tính điều gì sẽ xảy ra theo kịch bản "thích ứng với khí hậu" và kịch bản "nhiệt độ cao và lũ lụt".
Theo kịch bản thứ hai, công nhân sẽ phải chịu nhiều "căng thẳng vì nắng nóng" hơn. Lũ lụt cũng sẽ buộc các nhà máy ở 4 quốc gia, mà chiếm 18% xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu và sử dụng 10,6 triệu công nhân trong các nhà máy may mặc và giày dép, phải đóng cửa.
Nghiên cứu cho thấy năng suất chung giảm sẽ khiến thu nhập dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030 sụt giảm 65 tỷ USD, tương đương mức giảm 22%, và tạo ra ít hơn 950.000 việc làm.
Đến năm 2050, thu nhập từ xuất khẩu bị mất sẽ lên tới 68,6% và sẽ có ít hơn 8,64 triệu việc làm.