|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Nhu cầu đơn hàng điện tử và may mặc đang suy yếu

14:52 | 04/11/2022
Chia sẻ
HSBC cho biết bất chấp mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, nhu cầu đặt hàng điện tử và may mặc đang suy yếu khi những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở phương Tây đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cao và mức tồn kho lớn.

Trong báo cáo mới công bố, HSBC đề cập đến đà của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Việt Nam khởi đầu quý IV khá yếu, tháng 10 chỉ tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng hạ nhiệt, ngành dệt may/gia dày và máy móc – vốn là trụ cột xuất khẩu mạnh mẽ trong quý III cũng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại.

"Bất chấp mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, nhu cầu đặt hàng điện tử và may mặc đang suy yếu khi những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở phương Tây đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cao và mức tồn kho lớn", HSBC cho biết.

 

Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu tháng 10 ở mức 7,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức 7,3% của quý III/2022.

Năng lượng tiếp tục góp phần lớn vào tăng trưởng nhập khẩu, trong đó, giá năng lượng duy trì. Mặt khác, nhập khẩu điện tử tiếp tục phản ánh tình hình tương tự dữ liệu xuất khẩu.

Lượng hàng nhập khẩu cho điện thoại và linh kiện thay thế ghi nhận đợt sụt giảm thứ ba liên tiếp, giảm 3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu trong mảng điện thoại thông minh cũng thu hẹp lại càng khiến viễn cảnh về một trong những mảng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam thêm phức tạp, cùng với việc báo đăng tin Apple cắt giảm sản xuất mẫu iPhone tầm trung mới.

Bất chấp tình hình tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục giảm, cán cân thương mại duy trì như tháng 8 và tháng 9, ghi nhận thặng dư trong tháng 10. Mặc dù vậy, chúng tôi dự báo mức thặng dư thương mại sẽ không đủ để cân bằng lại tài khoản vãng lai cho năm nay và kỳ vọng năm thứ hai liên tiếp ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai. 

HSBC còn đề cập đến việc lạm phát toàn phần tháng 10 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.

Như trong biểu đồ dưới đây, giá thực phẩm tiếp tục tăng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và phần nào phản ánh tác động của một số cơn bão và tình trạng mất mùa. Nhà cửa và xây dựng cũng tăng đáng kể, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và thể hiện xu hướng tăng trong nhu cầu thuê, dịch vụ sửa chữ và vật liệu nhà cửa.

Trong khi chi phí vận tải không đóng góp nhiều vào tăng trưởng lạm phát toàn phần so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá xăng vẫn ở mức thấp hơn từ đầu năm nay, quan sát dữ liệu liên tục cho thấy giá cũng bắt đầu tăng nhẹ.

 

Hồng Hà