Các tập đoàn năng lượng gặp 'bão' chỉ trích khi thu lợi nhuận lớn
Trong tuần qua, các tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, TotalEnergies của Pháp cùng với Shell và BP của Anh đã công bố lợi nhuận năm 2021 đạt tổng cộng 66,7 tỷ USD.
Nhìn chung các tập đoàn đều kinh doanh khởi sắc hơn so với năm 2020, năm thua lỗ do đại dịch COVID-19 gây gián đoạn hoạt động kinh tế thế giới và khiến giá dầu thô giảm mạnh.
Giá dầu và khí đốt đã tăng mạnh vào năm ngoái, lên tới 70 USD/thùng, sau một thời gian giảm sâu trong năm 2020.
Tháng 1/2022, giá dầu của Mỹ giao dịch tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua và hiện có giá khoảng 90 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí đốt cũng tăng lên các mức cao kỷ lục ở châu Âu.
Chuyên gia Moez Ajmi tại công ty tư vấn EY cho biết các công ty dầu mỏ được hưởng lợi nhờ "sự kết hợp bất thường của nhiều yếu tố".
Bên cạnh việc giá năng lượng tăng cao, các công ty năng lượng còn bán gần hết tài sản và chỉ giữ lại những tài sản sinh lời cao nhất.
Ngoài ra, các công ty cũng đẩy mạnh cắt giảm chi phí vốn được triển khai từ năm 2014. Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nâng dần sản lượng cũng giúp tăng lợi nhuận của các công ty.
Các báo cáo doanh thu "màu hồng" của các tập đoàn năng lượng đang làm dấy lên những lời kêu gọi phải áp thuế đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng tại Anh.
Chuyên gia Kate Blagojevic thuộc tổ chức khí hậu Greenpeace tại Anh cho rằng những khoản lợi nhuận này là không thể chấp nhận khi hàng triệu người Anh đang phải chật vật chi trả các hóa đơn tiền điện.
Bà nhấn mạnh BP và Shell đã thu được hàng tỷ USD từ cuộc khủng hoảng giá khí đốt, trong khi được hưởng một trong những chính sách thuế ưu đãi nhất trên thế giới đối với một công ty khai thác dầu mỏ ở nước ngoài