|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhờ cơn sốt giá dầu, các siêu đại gia lại ngồi trên núi tiền

09:44 | 12/02/2022
Chia sẻ
Dù giá dầu thô chưa leo lên 100 USD/thùng, các siêu đại gia ngành dầu mỏ thế giới vẫn ngồi trên đống tiền cao kỷ lục, Bloomberg cho hay.
Nhờ cơn sốt giá dầu, các siêu đại gia lại ngồi trên núi tiền  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Quý IV năm ngoái, 5 ông lớn ngành dầu mỏ thế giới gồm BP, Shell, TotalEnergies, ExxonMobil và Chevron đã tạo ra dòng tiền tự do cao nhất kể từ đầu năm 2008, thời điểm mà giá dầu lần đầu đạt trên 100 USD/thùng.

Cụ thể, 5 đại gia trên ghi nhận tổng dòng tiền tự do khoảng 37 tỷ USD trong bối cảnh giá dầu Brent đạt trung bình gần 80 USD/thùng. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với 40 tỷ USD ghi nhận trong quý I/2008, khi giá dầu trung bình đạt 96 USD/thùng.

Lợi nhuận ròng đã điều chỉnh của 5 tập đoàn dầu mỏ nêu trên cũng tăng lên 31 tỷ USD, xác lập quý cao nhất trong hơn 9 năm.

Giá dầu hiện giờ chưa tăng cao như năm xưa nhưng do chi tiêu đầu tư thấp, các tập đoàn dầu mỏ này vẫn có thể mang nhiều tiền về cho nhà đầu tư.

Ông Biraj Borkhataria, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng tại công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets (Canada), nhận thấy nếu thị trường hàng hóa tiếp tục bùng nổ, cổ đông của các công ty dầu mỏ sẽ có cơ hội kiếm được bộn tiền.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Laura Hoy - nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Anh), cho hay: "Trong thập kỷ qua, các công ty dầu khí thế giới đã phải cắt giảm đầu tư".

Giờ đây, doanh nghiệp gặt hái được lợi nhuận khổng lồ từ việc giá dầu thô tăng mạnh, và "dường như giá dầu có thể sẽ còn giữ vững phong độ như thế này trong một thời gian nữa", bà Hoy nhấn mạnh.

Nhờ cơn sốt giá dầu, các siêu đại gia lại ngồi trên núi tiền  - Ảnh 2.

Năm 2021 là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Một năm trước đó, các công ty trong ngành đã phải chật vật gồng gánh khối nợ phình to và giá hàng hóa lao dốc khi đại dịch mới bùng phát. Tại thời điểm cuối năm 2020, 5 đại gia nêu trên lỗ tổng cộng gần 19 tỷ USD.

Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ cũng dành phần lớn năm 2020 để mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động, một số thông báo sa thải hàng chục nghìn nhân viên và giảm chi trả cổ tức. Điều đó đã giúp họ ổn định trở lại trước khi bước sang năm 2021.

Liên quan đến triển vọng năm 2022, giới phân tích nói khá lạc quan. Theo ông Patrick Pouyanne, CEO của TotalEnergies, nhu cầu dầu thô đang tăng lên nhưng nguồn cung "lại khá hạn chế" sau nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đi xuống.

"Bạn thấy đấy, do doanh nghiệp thiếu đầu tư vào khai thác các mỏ mới, giá dầu đang lên rất cao, bất chấp việc quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang tăng tốc", CEO Bernard Looney của BP bày tỏ.

Song, nhà phân tích Osward Clint của hãng quản lý tài sản Bernstein (Anh) cho biết, mặc dù lợi nhuận của các công ty dầu mỏ có thể duy trì hoặc thậm chí vượt mục tiêu năm nay nếu giá dầu leo cao, thị trường năng lượng vẫn có thể dịu lại khi mùa đông kết thúc và căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt.

Hiện tại, các dự báo về giá dầu thô đang khá chênh lệch nhưng nhìn chung đều rất tích cực, có cơ quan tin rằng giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm, trong khi một số nhà phân tích khác kỳ vọng giá của loại nhiên liệu hóa thạch này sẽ lên 125 USD/thùng do công suất dự phòng của OPEC+ thấp và nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Khả Nhân