|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các startup Việt mất bao lâu để trở thành kỳ lân?

11:10 | 18/10/2021
Chia sẻ
VNG và VNLIFE là hai startup kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, Sky Mavis cũng được cho là đã đạt định giá lên tới 3 tỷ USD.

Kỳ lân - startup đạt định giá từ 1 tỷ USD trở lên, là cột mốc mà mọi startup hướng đến. Đến nay, hệ sinh thái startup Việt Nam chính thức gọi tên hai startup kỳ lân là VNG và VNLIFE. Năm nay, khi Đông Nam Á có thêm 15 kỳ lân mới, theo dữ liệu của Deal Street Asia Nikkei, Việt Nam vẫn chưa có thêm kỳ lân tiếp theo.

Hồi tháng 10, Sky Mavis, công ty đứng đằng sau Axie Infinity, được cho là đã đạt định giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, studio game này chưa được chính thức công nhận là kỳ lân. Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng Sky Mavis hiện đang đặt trụ sở tại Singapore, dù có đội ngũ nhân sự cốt cán là người Việt Nam.

VNG (10 năm)

Các startup Việt Nam mất bao nhiêu năm để trở thành 'kỳ lân'? - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG. (Ảnh: World Economic Forum).

Trước thời của Grab và Gojek, cùng Sea, VNG là một trong số ít những startup kỳ lân của Đông Nam Á. VNG được thành lập vào năm 2004, khi ấy có tên gọi là Vinagame, và tập trung vào mảng game. Đến nay, hệ sinh thái của VNG đã phát triển và bao gồm rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Internet.

VNG ra đời từ tình yêu game của ông Lê Hồng Minh, CEO và Chủ tịch VNG. Thành công đầu tiên và đưa đến bước ngoặt của VNG là phát hành thành công Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam vào năm 2015. Đến năm 2018, VNG ước tính có khoảng 35% thị phần game PC và 50% thị phần game di động tại Việt Nam. Trước đó, vào năm 2014, VNG được  World Startup Report định giá 1 tỷ USD để chính thức trở thành startup kỳ lân đầu tiên của Việt Nam.

VNG từng ký một thoả thuận ghi nhớ để niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào năm 2017. Dù vậy, đến nay, "giấc mơ Mỹ" của VNG vẫn chưa được hiện thực hoá. Trung tuần tháng 8 năm nay, Bloomberg đưa tin VNG đang cân nhắc sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Bloomberg nói rằng VNG đã làm việc với các đối tác tài chính để thực hiện mục tiêu này ở mức định giá dao động trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Bloomberg nhấn mạnh rằng kế hoạch hoàn toàn có thể thay đổi và VNG có thể chuyển sang các phương án gọi vốn khác.

VNLIFE (14 năm)

Các startup Việt Nam mất bao nhiêu năm để trở thành 'kỳ lân'? - Ảnh 2.

VNPAY là mảnh ghép quan trọng nhất trong hệ sinh thái của VNLIFE. (Ảnh: Deal Street Asia).

VNLIFE, công ty đang sở hữu CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY), được thành lập vào tháng 3/2007. Hồi tháng 7 năm nay, sau 14 năm hoạt động, VNLIFE cho biết đã kêu gọi thành công 250 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group.

Thời điểm đó, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Niraan De Silva, xác nhận rằng khoản đầu tư đã đưa định giá của VNLIFE lên mức trên 1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc VNLIFE chính thức ghi danh là startup kỳ lân thứ 2 của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên VNLIFE xác nhận về định giá của mình.

Thực tế, nhiều báo cáo nói rằng VNLIFE đã đạt được trạng thái kỳ lân từ thời điểm năm 2019 - 2020 khi VNLIFE nhận được cam kết đầu tư lên tới 300 triệu USD từ các quỹ nổi tiếng như SoftBank hay GIC.

Mảng kinh doanh fintech cốt lõi của VNLIFE là VNPAY cung cấp giải pháp phần mềm cho các ngân hàng muốn cung cấp dịch vụ thanh toán di động thông qua ứng dụng và các dịch vụ số khác.

VNPAY cũng cung cấp giải pháp mã QR cho các nhà bán lẻ để xử lý thanh toán thông qua các ứng dụng ngân hàng. VNLIFE cho biết công ty hiện có quan hệ với hơn 40 "nhà băng" cùng mạng lưới thanh toán có 22 triệu người dùng và hơn 150.000 đối tác bán hàng.

Thời điểm xác nhận cột mốc định giá trên 1 tỷ USD, ông De Silva so sánh VNLIFE với Visa và Mastercard nhưng có mức lợi nhuận cao hơn vì tập trung vào cung cấp dịch vụ cho khách hàng là tổ chức. Dù vậy, ông từ chối tiết lộ các thông tin tài chính của công ty.

Sky Mavis (3 năm)

Các startup Việt Nam mất bao nhiêu năm để trở thành 'kỳ lân'? - Ảnh 3.

Axie Infinity của Sky Mavis nổi lên như một hiện tượng trong năm 2021. (Ảnh: Crypto News).

Hồi đầu tháng 10, The Information đưa tin Sky Mavis, studio đứng đằng sau trò chơi NFT gây sốt Axie Infinity, kêu gọi thành công xấp xỉ 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B ở mức định giá 3 tỷ USD. Như vậy, Sky Mavis đã trở thành kỳ lân với một tốc độ nhanh đến chóng mặt. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Sky Mavis vẫn chưa được nhiều tổ chức uy tín công nhận danh hiệu kỳ lân.

Dữ liệu các danh sách startup kỳ lân mới của Đông Nam Á tính tới thời điểm ngày 12/10/2021 của Deal Street AsiaNikkei không khi nhận Sky Mavis. Bên cạnh đó, mặc dù có đội ngũ nòng cốt là người Việt Nam, Sky Mavis lại đặt trụ sở tại Singapore.

Axie Infinity là trò chơi trong đó người chơi sẽ nuôi quái vật (gọi là Axie) và chiến đấu theo đội nhóm gồm 3 quái vật để nhận các SLP (đơn vị tiền tệ trong game). Người chơi cũng có thể bán quái vật hoặc cho thuê quái vật để kiếm tiền.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người lao động, Axie Infinity trở thành nguồn thu chính của không ít người, đặc biệt là tại các quốc gia như Philippines. Dù vậy, việc kiếm tiền qua Axie Infinity đang ngày càng khó hơn.

Ông Aleksander Leonard Larsen, đồng sáng lập Sky Mavis, mới đây cho biết Axie Infinity đang có khoảng 2 triệu người chơi hoạt động hàng ngày.     

Nam Khánh