|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các startup lớn của Trung Quốc đang quay lưng với công nghệ Mỹ

08:09 | 28/06/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho các doanh nghiệp công nghệ nội địa.

Nhiều ông lớn công nghệ bắt đầu gặp khó tại Trung Quốc

hinhanh1

Người đồng sáng lập PingCAP Huang Dongxu, Liu Qi và Cui Qiu (từ phải sang trái). (Ảnh: PingCAP)

Trong nhiều năm, các ông lớn như Oracle hay International Business Machines (IBM) đã rót nhiều đầu tư để phát triển thị trường mới ở Trung Quốc cho công nghệ cơ sở dữ liệu hàng đầu của mình. 

Dù vậy, dưới áp lực đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một startup Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội để nhập cuộc và giành được thị phần đến từ các công ty công nghệ và định chế tài chính tại đây.

PingCAP, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết hiện nay đang phục vụ hơn 300 khách hàng Trung Quốc. Rất nhiều trong số đó, bao gồm ông lớn giao đồ ăn Meituan, công ty chia sẻ xe Mobike, nền tảng streaming video iQIYI Inc. và nhà sản xuất smartphone Xiaomi Corp, đang dần tách ra khởi sự phụ thuộc vào công nghệ của IBM và Oracle.

Ưu thế của PingCAP đến trong bối cảnh Mỹ đưa Huawei Technologies Co. vào danh sách đen làm dấy lên quan ngại liên quan đến các sản phẩm ngoại quốc đến từ quốc gia này. 

"Nhiều công ty từng dùng các giải pháp của Oracle và IBM nghĩ rằng thay thế chúng là một cột mốc còn rất xa, họ không bao giờ nghĩ nó sẽ xảy đến ngay ngày mai", Huang Dongxu, người đồng sáng lập và Giám đốc Công nghệ của PingCAP chia sẻ. "Thế nhưng, giờ thì họ đang tính đến Phương án B một cách nghiêm túc". 

IBM, hiện đang có một phần năm doanh thu đến từ Châu Á, từ chối đưa ra bình luận. Về phần mình, Oracle cũng đang có 16% doanh thu đến từ châu lục này.

Trung Quốc từ lâu đã mong muốn thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như phần cứng bởi Trung Quốc hiện đang nhập khẩu các chất bán dẫn nhiều hơn cả dầu mỏ. 

Mong muốn này đã sinh ra nhiều ông lớn công nghệ như Huawei hay OPPO ở mảng phần cứng và Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. ở mảng phần mềm.

"Trung Quốc luôn muốn dùng công nghệ nội địa và trong các lĩnh vực như điện toán đám mây vàđã đạt được nhiều thành công ấn tượng", Julia Pan, nhà phân tích của UOB Kay Hian ở Thượng Hải, nhận định. "Trong khi Trung Quốc cũng muốn dùng các con chip nội địa, công nghệ hiện tại chưa đáp ứng và khi mọi thứ chín muồi, chúng cũng sẽ thay thế những sản phẩm chip từ nước ngoài".

Chinh phục thị trường bằng giải pháp linh hoạt

Người dùng PingCAP có thể dùng nó để quản lý cơ sở dữ liệu và cải thiện hiệu quả hoạt động. Nó cũng cho phép khách hàng lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu cho mọi thứ từ giao dịch ngân hàng trực tuyến cho tới vị trí của nhân viên giao hàng.

hinhanh2

(Nguồn: Bloomberg/IDC)

Được chống lưng bởi Matrix Partners China và Morningside Venture Capital, PingCAP đang cạnh tranh trong một lĩnh vực vốn bị thống trị bởi các ông lớn ngoại quốc như Oracle và IBM. 

Theo Bloomberg, ngành công nghiệp này được kì vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng 8% mỗi năm lên tới mức 63 tỉ USD toàn cầu cho tới năm 2022.

PingCAP được sáng lập bởi ba lập trình viên của một công ty trước đó đã bị Alibaba thâu tóm. 

Lấy cảm hứng từ sản phẩm Cloud Spanner của Google, dịch vụ khởi xướng mô hình cơ sở dữ liệu phân tán, bộ ba – Huang, Liu Qi và Cui Qiu – bắt đầu tạo ra một hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở cho phép các doanh nghiệp mở rộng không giới hạn không gian lưu trữ của mình, bằng cách kết nối thêm nhiều máy chủ với các máy chủ hiện hữu.

"Hãy nghĩ về cách quản trị cơ sở dữ liệu truyền thống không khác gì một container bằng kính cố định, mỗi khi bạn hết dung lượng lưu trữ, bạn cần mua một dung lượng lớn hơn", Huang nói. "Những gì hệ thống của chúng tôi làm là bạn có thể liên kết thêm bao nhiêu dung lượng lưu trữ tuỳ ý". 

Ý tưởng này thực tế đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Năm 2015, Matrix đã rót 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1,4 triệu USD) vào PingCAP. Đến nay, công ty này đã gọi vốn được hơn 71 triệu USD và có khoảng 190 nhân sự.

PingCAP dù vậy đang hoạt động trong một lĩnh vực với sự cạnh tranh khốc liệt và rất khó để có được doanh thu. 

Ở thời điện hiện tại, PingCAP mới chỉ có khoảng trên dưới 10 khách hàng trả phí tại Trung Quốc cùng doanh thu khoảng 10 triệu Nhân dân tệ một năm. Điều họ cần làm là tạo ra thành công có thể nhân rộng sau đó ở một quy mô lớn hơn, Owen Chen, một nhà phân tích của Gartner nhận định. "Hãy cho 10% người dùng đầu tiên sử dụng miễn phí và thu phí từ 90% người dùng sau đó".

Đây cũng là lý do Huang đang làm việc với những cái tên lớn như Bank of Beijing hay Mobike – qua đó, hãng này có thể tạo ra các khuôn mẫu cho nhiều ngành công nghiệp. 

"Chỉ có một điều chắc chắn, dữ liệu sẽ mở rộng", Richard Liu, một thành viên sáng lập của quý Morningside Venture Capital, cho biết. "Chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi trước khi tìm ra một mô hình doanh thu tốt nhất". 

PingCAP dù vậy cũng có lợi thế đặc trong bối cảnh khách hàng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng thử nghiệm với công nhệ mới.

Huang chia sẻ với Bloomberg về sự hợp tác của mình với ông lớn chia sẻ xe Mobike của Trung Quốc khi người dùng và số lượng giao dịch tăng đột biến. Vào đỉnh điểm, công ty này đã xử lý 30 triệu giao dịch trong một ngày. 

"Đó là một thách thức lớn với chúng tôi, MySQL không còn có thể đáp ứng được nhu cầu khi lượng dữ liệu tăng lên", Li Kai, giám đốc công nghệ tại Mobike nói. "PingCAP đã cứu chúng tôi một vố".

Huang và các cộng sự cũng có những công cụ giúp giảm thiểu công việc liên quan đến công nghệ cho doanh nghiệp. Chỉ bằng vài nút bấm, các công ty có thể chuyển toàn bộ dữ liệu từ MySQL sang PingCAP. 

Một số công ty đang cân nhắc chuyển những dữ liệu nhạy cảm nhất của họ như giao dịch hay thông tin khách hàng sang hệ thống của PingCAP, Huang dù vậy từ chối tiết lộ thêm thông tin. 

Yu Zhenhua, một giám đốc IT tại Bank of Beijing, cho biết Trung Quốc đang rất quan tâm đến vấn đề bảo mật trong khi cũng muốn giảm thiểu chi phí khi mở rộng. 

Trong dài hạn, PingCAP mong muốn vươn xa hơn thị trường Trung Quốc với Mỹ là một quốc gia trong tầm ngắm.

Thái Sơn