Các quỹ đầu tư đang gắng sức để đáp ứng cơn khát vốn của giới start-up Đông Nam Á
'Đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam phải nhiều năm nữa mới đạt đỉnh điểm' |
Tổng số vốn đầu tư vào giới khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á tăng hơn 3 lần trong năm ngoái nhờ các quỹ có vốn lớn và những tập đoàn công nghệ lớn ở châu Á. Khoản vốn 2 tỷ USD mà hãng gọi xe trực tuyến Grab huy động trong năm nay chứng tỏ rằng sự thèm muốn của nhà đầu tư vẫn chưa hạ nhiệt.
Để đối phó sự gia tăng đột ngột trong những khoản vốn mà các công ty khởi nghiệp yêu cầu, một quỹ đầu tư hạt giống ở Đông Nam Á đang tìm cách thích nghi về chiến lược.
William Tanuwijaya - giám đốc điều hành công ty Tokopedia. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Hồi tháng 3, East Ventures, một quỹ đầu tư có trụ sở ở cả Tokyo lẫn Singapore, thành lập EV Growth, một quỹ có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các quỹ trước đây của họ, để đầu tư vào những start-up có mức độ phát triển cao ở Đông Nam Á. EV Growth, cùng với Yahoo Nhật Bản và tập đoàn Sinar Mas ở Indonesia, đã đóng góp 95 triệu USD và muốn tìm những nhà đầu tư bên ngoài để huy động khoản vốn lên tới 200 triệu USD.
Trước đây, East Ventures chỉ “rót” vài trăm nghìn USD cho hàng loạt start-up trong giai đoạn sơ khai, với mục tiêu đạt khoản lãi gấp nhiều lần khi các start-up trưởng thành. Ngược lại, quỹ EV Growth sẽ đầu tư tối thiểu 2 triệu trong mỗi thương vụ.
“Trước đây, chúng tôi thường ngồi với một người sáng lập start-up và hỏi: Công ty của anh/chị có bao nhiêu người?, và câu trả lời thường là hai người. Họ chưa có hoạt động kinh doanh để phân tích”, Batara Eto, nhà quản lý quỹ EV Growth, nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review.
Song phương pháp mới của quỹ sẽ hoàn toàn khác. “Chúng tôi phân tích các con số, nhìn vào đà tăng trưởng”, Batara Eto tiết lộ.
East Ventures không phải là nhà đầu tư hạt giống duy nhất đề ra mục tiêu rót những khoản vốn lớn hơn. Hồi tháng 7, quỹ đầu tư mạo hiểm KK Fund ở Singapore - chuyên rót vốn cho các start-up ở giai đoạn đầu - thông báo họ hợp tác với tập đoàn Sunway ở Malaysia để thành lập quỹ đầu tư Sun SEA Capital có số vốn 50 triệu USD - lớn hơn 10 lần so với quỹ trước đây của họ. Sun SEA Capital sẽ chủ yếu hướng tới những start-up ở Malaysia muốn vươn ra ngoài lãnh thổ.
“Những khoản đầu tư vài trăm nghìn USD trước đây của KK Fund sẽ không đủ lớn để tiến ra nước ngoài. Mục tiêu đó chỉ khả thi với vài triệu USD”, Koichi Saito, người sáng lập KK Fund, bình luận. Sunway sẽ cung cấp khoảng 20% vốn của quỹ, nên Saito muốn huy động phần còn lại từ các nhà đầu tư Malaysia. Sự thay đổi chiến lược này là phản ứng của Saito trước mức tăng quy mô vốn đầu tư. Nếu quỹ không thể cam kết một khoản vốn lớn hơn, họ sẽ đối mặt nguy cơ bỏ lỡ giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của start-up.
Anthony Tan, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty gọi xe trực tuyến Grab. Ảnh: globalfleet.com |
Công ty thương mại điện tử Tokopedia ở Indonesia là một trường hợp khác. East Venture từng rót vốn cho họ trong giai đoạn đầu vào năm 2010. Nhưng năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp - bao gồm Alibaba, đầu tư 1,1 tỷ USD vào công ty.
“Khi một nhà đầu tư như Alibaba xuất hiện và rót 1 tỷ USD, khả năng thất bại của chúng tôi rất cao. Vì thế, chúng tôi tự nói với bản thân rằng chúng tôi sẽ tham gia vòng gọi vốn tiếp theo”, Eto thú nhận.
Xu hướng đầu tư mạnh mẽ cho thấy ham muốn ngày càng của giới đầu tư đối với một phần miếng bánh trong ngành công nghệ đang bùng nổ ở Đông Nam Á. Giới start-up trong khu vực huy động thành công 7,86 tỷ USD trong năm 2017, theo trang Tech in Asia. Con số này cao gấp hơn 3 lần mức đầu tư trong năm 2016 là 2,52 tỷ USD. Mặc dù đà tăng đã chậm hơn trong năm nay, tổng mức đầu tư vẫn đạt 4,22 tỷ USD tính tới ngày 20/8.
Hàng loạt vòng gọi vốn siêu khủng đã góp phần tạo nên xu hướng này, chẳng hạn như thương vụ rót vốn 1,1 tỷ USD vào Tokopedia hay thương vụ 2 tỷ USD vào Grab. Những tập đoàn công nghệ lớn - như Alibaba và SoftBank - cũng như các quỹ đầu tư vốn tư nhân từ Mỹ, thực hiện những vụ rót vốn siêu khủng như vậy.
Một báo cáo trong năm 2016 do tập đoàn đầu tư Temasek Holdings ở Singapore và Google ước tính 40-50 tỷ USD là khoản tiền cần thiết để xây dựng nền kinh tế Internet trị giá 200 tỷ USD ở Đông Nam Á vào năm 2025. Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tham gia “cuộc chơi”, các quỹ đầu tư phải tăng quy mô. Song nhiều quỹ khá mới và không có hồ sơ đáng tin cậy. Những nhà đầu tư hạt giống như East Ventures thường đồng hành cùng với các start-up ngay từ đầu nên họ có những kết quả phân tích sâu và những mối quan hệ mà các quỹ mới không thể có.
Xem thêm |