'Đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam phải nhiều năm nữa mới đạt đỉnh điểm'
Quỹ đầu tư mạo hiểm dành riêng cho nữ doanh nhân |
Đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam phải nhiều năm nữa mới đạt đỉnh điểm
Giám đốc quỹ 500 startups Việt Nam là ông Eddie Thai, một người Mỹ gốc Việt. Năm 2015, ông là một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất do Forbes bình chọn.
Nhận định về hoạt động khởi nghiệp, ông Eddie Thái nói: "Cả khu vực Đông Nam Á đang sôi động lên rất nhiều nhờ khởi nghiệp. Nước khởi đầu là Singapore, Malaysia còn bây giờ là Indonesia đang là điểm nóng."
Theo ông, về lâu dài, Việt Nam có nhiều lợi thế bởi nhờ nhân tài công nghệ và hạ tầng cho công nghệ. Các startup Việt được nhiều nhà đầu tư đánh giá rất cao về sự chăm chỉ. Tuy nhiên, họ cần khắc phục những hạn chế về tầm nhìn và sự khác biệt hoá sản phẩm.
Ông Eddie Thai, Giám đốc quỹ 500 startups Việt Nam . |
Năm 2012 khi ông Eddie quay trở lại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp lúc đó còn khá mới mẻ. Hoạt động khởi nghiệp khá rời rạc, chất lượng chưa cao và chỉ có khoảng 25-30 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đến năm 2017, Việt Nam có hơn 90 quỹ đầu tư mạo hiểm. Hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi động và chất lượng hơn. Trong hàng ngàn startup thành lập, rất nhiều sẽ thất bại, nhưng ông Eddie tin rằng sẽ có những viên ngọc quý. Đó là những tập thể tạo ra sự thay đổi và có khả năng tăng trưởng chóng mặt ở Việt Nam và toàn cầu.
Hàng tuần, Eddie Thai vẫn thường xuyên dẫn các đoàn làm việc từ Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây và họ đều chia sẻ kỳ vọng rót tiền vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ quỹ mạo hiểm so với GDP của Việt Nam đang thấp hơn của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Eddie, tỷ lệ này đang tăng dần và mức đỉnh điểm của đầu tư phải nhiều năm nữa mới xuất hiện.
Nhóm tiêu chí đầu tư: Con người là quan trọng nhất
Eddie cho biết Quỹ 500 startups có một khoản tiền 10 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam với mong muốn giải ngân hết số tiền này một cách nhanh nhất có thể. Năm ngoái, 500 startups đầu tư vào 11 startup Việt. Năm 2018, dự kiến quỹ mạo hiểm này đầu tư từ 20 - 30 startup. Eddie dự kiến phải mất thêm khoảng 3 năm nữa để quỹ 500 startup mới có thể đầu tư được hết số tiền này vào các startup Việt.
Khi ra quyết định đầu tư vào một khởi nghiệp, Eddie nêu ra nhóm 5 tiêu chí. Ông cho hay, yếu tố con người hay nhóm làm việc chính là quan trọng nhất. Nhà đầu tư quan tâm tới sự thông minh của nhà sáng lập, kiến thức và am hiểu về các ngành. Với Eddie, ông ưu ái hơn đối với những startup có nhiều nhà sáng lập. Bởi, một startup có được đội ngũ sáng lập đa dạng sẽ giúp quá trình ra quyết định tốt hơn.
Đương nhiên, một đội làm việc tốt là chưa đủ. Sản phẩm là yếu tố thứ hai để ra quyết định. Câu hỏi đặt ra là sản phẩm có thể giải quyết một vấn đề hay không, giải quyết tốt hơn với chi phí rẻ hơn hay không. Theo Eddie, ở Việt Nam, có nhiều mô hình startup "copy" sản phẩm khác hoặc thêm một chút cải tiến. Nhưng 500 startup kỳ vọng startup làm được nhiều hơn thế.
Tiêu chí tiếp theo là thị trường. Các câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra: Liệu thị trường cho sản phẩm có đủ lớn ở Việt Nam, ở khu vực và thế giới? Đó là thị trường đang mở rộng hay thu hẹp?
Sự hấp dẫn và lôi kéo của ý tưởng là yếu tố tiếp theo để cân nhắc. Ví dụ như sản phẩm này có đang được sử dụng, mức độ tăng trưởng, người dùng có sẵn sàng trả tiền. Và yếu tố cuối cùng được xem xét là giá trị thương vụ.
Theo Eddie, tìm được công ty thoả mãn cả 5 tiêu chí giống như "đãi cát tìm vàng". Với Quỹ 500 startups, một startup thực tế chỉ cần thoả mãn 3-4 tiêu chí đặt ra.
Ở giai đoạn trước, những mô hình như Uber hay AirBnB không có nền tảng công nghệ quá phức tạp như hiện nay. Nhưng ý tưởng của họ đã thách thức cách mà xã hội nhìn nhận một lĩnh vực kinh doanh, và họ đã phá vỡ cách nhìn nhận đó. Theo Eddie, đội ngũ startup hiện nay phải cạnh tranh hơn nhiều vì ranh giới giữa các thị trường đã mở dần nên phải làm mọi thứ nhanh nhất có thể.
Quỹ đầu tư 500 startup Việt Nam tập trung đầu tư cho công nghệ bởi đó là xu hướng tương lai. Đặc biệt, quỹ quan tâm đến đầu tư cho các giải pháp phục vụ các tầng lớp trung bình tại thị trường mới nổi, hay những khách hàng không sống ở thành phố như: công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, công nghệ cho nông nghiệp…