|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các quốc gia Đông Nam Á trong vòng xoáy nợ nước ngoài

17:21 | 16/07/2018
Chia sẻ
Theo Nikkei, 6 quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu là Lào có tỷ lệ nợ nước ngoài cao hơn mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ có thể sắp bùng phát trong khu vực.
cac quoc gia dong nam a trong vong xoay no nuoc ngoai Nợ nước ngoài của quốc gia hơn 2,45 triệu tỷ đồng, tiệm cận ngưỡng trần
cac quoc gia dong nam a trong vong xoay no nuoc ngoai Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ

Theo một nghiên cứu của FT Confidential Research sử dụng số liệu của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng thu nhập quốc gia của Lào là 93,1%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong khi đó tỷ lệ trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ là 26%. Các quốc gia đứng tiếp sau Lào trong bảng tỷ lệ nợ nước ngoài là Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Giống như Malaysia, Lào đang phải gánh khối nợ nhiều tỷ USD vì các dự án phát triển cơ sở hạ tầng được thỏa thuận trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc. Ví dụ điển hình là kế hoạch trị giá 5,8 tỷ USD để kết nối thành phố Côn Minh ở phái nam Trung Quốc với thủ đô Viêng-chăn của Lào. Dự án này ước tính sẽ tiêu tốn lượng tài nguyên trị giá gần 40% GDP của Lào.

cac quoc gia dong nam a trong vong xoay no nuoc ngoai
Ảnh minh họa

Khoảng 2/3 nợ của Lào là bằng ngoại tệ nên việc đồng Kip đột ngột mất giá sẽ là rủi ro lớn nhất đối với tính bền vững của nợ nước ngoài của Lào. Quỹ Tiền tệ quốc tế xác định Lào là quốc gia chịu rủi ro cao về áp lực trả nợ, tuy nhiên chính phủ Lào phủ nhận vấn đề này.

Ở Malaysia, tỷ lệ nợ nước ngoài lên tới 69,6% GDP. Thủ tướng mới đắc cử Mahathir Mohamad đã ra lệnh thỏa thuận lại 4 dự án BRI tốn kém được phê duyệt dưới thời Thủ tướng Najib Rezak đầy rẫy bê bối, bao gồm một dự án đường sắt 14 tỷ USD kết nối Port Klang, cảng tấp nập nhất quốc gia này, với bờ biển phía đông. Thủ tướng Mahathir muốn các điều khoản về tài chính có lợi hơn.

Các quốc gia Đông Nam Á đều ý thức rõ những gì đã xảy ra với Sri Lanka. Quốc gia Nam Á này đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm một cảng chiến lược quan trọng do Bắc Kinh xây dựng. Tuy nhiên nói chung tỷ lệ nợ của các quốc gia Đông Nam Á cao hơn khu vực Nam Á. Ở Nam Á, chỉ có 2 quốc gia là Bhutan và Sri Lanka có tỷ lệ nợ nước ngoài cao trên mức trung bình.

cac quoc gia dong nam a trong vong xoay no nuoc ngoai
Tỷ lệ nợ nước ngoài của các quốc gia Đông Nam Á. Nguồn: Nikkei/World Bank.

Sáu quốc gia nợ “đầm đìa” của Đông Nam Á đã vay mượn nước ngoài rất tích cực trong 5 năm qua, đặc biệt là Campuchia, Lào và Việt Nam. Nợ nước ngoài của Campuchia tăng 142%, mức cao nhất trong khu vực, và hiện chiếm 54,4% tổng thu nhập quốc gia. Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Campuchia, chiếm khoảng 70% nợ nước ngoài của Campuchia năm 2016. Theo IMF, Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Lào.

cac quoc gia dong nam a trong vong xoay no nuoc ngoai
Tăng trưởng nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2016. Nguồn: Nikkei/World Bank

Mặc dù có tốc độ tăng nợ nhanh, FT Confidential Research tin rằng rủi ro về nợ vay của Campuchia thấp hơn so với Lào, Malaysia và Indonesia vì 3 quốc gia này có tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài ngắn hạn khá thấp và tỷ lệ nợ nước ngoài so với xuất khẩu ở mức cao.

Thời điểm năm 2016, dự trữ ngoại hối của Malaysia chỉ bằng 1,1 lần số nợ nước ngoài đến hạn trong vòng 1 năm. Theo tiết lộ của Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng, tổng nợ và các nghĩa vụ của của quốc gia này cao hơn ít nhất 60% so với báo cáo dưới thời thủ tướng Najib. Gánh nặng trả nợ ngắn hạn có thể cũng lớn hơn rất nhiều.

Thái Lan và Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn hơn, bằng khoảng 6,1 lần nợ nước ngoài ngắn hạn.

Lào, Malaysia và Indonesia cũng có tỷ lệ nợ nước ngoài/giá trị xuất khẩu thấp nhất – đây là thước đo được Ngân hàng Thế giới sử dụng để đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia. Cụ thể, tỷ lệ này của 3 quốc gia trên lần lượt là 328%, 184% và 94,5%, trong khi tỷ lệ trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp là 107%.

Đối với Malaysia và Indonesia, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng lên được kỳ vọng sẽ cải thiện dự trữ ngoại hối và khả năng trả nợ của hai quốc gia này.

Tại Indonesia, vay nợ tăng – đặc biệt là vay từ Trung Quốc – nhiều khả năng sẽ trở thành một vấn đề chính trị nổi cộm trong đợt bầu cử quốc gia vào năm sau khi Tổng thống Joko Widodo tranh cử nhiệm kỳ thứ 2. Giống như ở Malaysia trong cuộc tổng tuyển cử gần đây, thông điệp chống Trung Quốc có thể sẽ giúp cho phe đối lập giành được một số phiếu nhất định.

Theo Ngân hàng Indonesia, khoản nợ mà Indonesia vay Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi dưới thời Tổng thống Widodo lên mức 16,7 tỷ USD hồi tháng 4 vừa qua, không tính các khoản vay từ Hong Kong. Tỷ trọng các khoản vay từ Trung Quốc trên tổng nợ nước ngoài cũng tăng từ 4,5% thời điểm ông Widodo nhậm chức năm 2014 lên 9,2% hiện nay.

Dưới thời Tổng thống Widodo, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn thứ 3 của Indonesia, sau Singapore và Nhật Bản. Nếu tính cả nợ vay từ Hong Kong, Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản để trở thành chủ nợ lớn thứ 2 của Indonesia đầu năm nay.

Tuy nhiên, nợ vay từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4,6% nợ nước ngoài của Indonesia, không phải là rủi ro đáng kể đối với tính bền vững nợ vay của quốc gia này. Vay Trung Quốc nhiều hơn thể hiện quan hệ kinh tế mật thiết hơn, không phải là phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Hơn nữa, kể từ cuộc khủng hoàng tài chính châu Á 1997 – 1998, Indonesia đã áp dụng một chế độ tài khóa ưu tiên thị trường vốn hơn các khoản vay song phương. Tuy vậy một nhược điểm của chính sách này là các nhà đầu tư nước ngoài giờ đây nắm giữ khoảng 40% trái phiếu bằng động nội tệ của Indonesia.

Sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài này khiến cho đồng Rupiah của Indonesia rất nhạy cảm khi dòng vốn chảy ra. Vì vậy, rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Indonesia không phải là các khoản vay từ Trung Quốc mà là biến động tiền tệ.

Xem thêm

Y Vân