|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc nguy cơ bị vượt mặt vì phụ thuộc vào chip nhớ và thiếu nhân lực có trình độ

15:20 | 19/10/2022
Chia sẻ
Hai gã khổng lồ ngành bán dẫn Hàn Quốc là Samsung và SK hynix đang có nguy cơ bị tụt lại phía sau so với TSMC và các công ty khác do mảng kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào chip nhớ.

Hai ông lớn Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK hynix đang đối mặt với triển vọng ảm đạm về mảng kinh doanh chip nhớ khi áp lực về lạm phát tăng, đồng won giảm so với đồng USD và xung đột Nga - Ukraine chưa tới hồi kết, qua đó khiến nhu cầu sử dụng chip của hai công ty này với các sản phẩm công nghệ thông tin giảm xuống, theo Korea Times.

Các nhà phân tích cho biết Samsung và SK sẽ phải đối mặt với điều kiện kinh doanh còn bất lợi hơn vào năm 2023, vì họ phụ thuộc nhiều vào chip nhớ, sản phẩm vốn chỉ chiếm 30% toàn bộ thị trường chip và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Triển vọng đó hoàn toàn trái ngược với dự báo của TSMC và các công ty Đài Loan khác, những công ty đang tập trung vào các hoạt động không dùng chip nhớ như kinh doanh xưởng đúc, vốn vẫn có nhu cầu ổn định kể khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Động thái của Washington nhằm hạn chế sự phát triển của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp chip của họ, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu thiết bị chip do Mỹ sản xuất sang Trung Quốc, cũng trở thành một yếu tố tiêu cực đối với các nhà sản xuất chip Hàn Quốc.

Những công ty bán dẫn Hàn Quốc có nguy cơ tụt lại trong cuộc đua với TSMC. (Ảnh: Cho Sang-won/Korea Times).

Jim Handy, một chuyên gia phân tích ngành chip của công ty nghiên cứu thị trường Objective Analysis cho biết: "Samsung đã có thể trở thành số một trong lĩnh vực bán dẫn chỉ nhờ vào việc nâng cấp bộ nhớ. Bây giờ thị trường đang trong thời kỳ suy thoái, họ có thể sẽ thấy thứ hạng của công ty giảm xuống”.

"Phần lớn doanh thu của Samsung đến từ các mặt hàng như DRAM và NAND flash, vì vậy doanh thu của họ sẽ biến động. TSMC và Intel bán các sản phẩm khác biệt. Doanh thu của những mặt hàng này không thay đổi nhiều như hàng hóa nên doanh thu của họ vẫn tương đối ổn định”, ông nói thêm.

Theo các nhà phân tích, vị trí dẫn đầu của Samsung về doanh số bán chip trên toàn cầu có thể bị TSMC vượt qua trong quý III. TSMC, tạo ra lợi nhuận bằng cách sản xuất chip đặt hàng từ các công ty thiết kế chip, đã đạt doanh thu 19,1 tỷ USD trong quý III, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi bộ phận kinh doanh bán dẫn của Samsung ước tính đạt doanh thu từ 16,7 tỷ USD đến 17,4 USD trong cùng giai đoạn.

Handy nói rằng những con số này giải thích tại sao Samsung, công ty đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều kiện kinh tế toàn cầu và các đối thủ khác như Intel, đang cố gắng tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh xưởng đúc, như TSMC đang làm.

"Nếu Intel xếp sau TSMC, thì đó là vì TSMC phục vụ thị trường rộng lớn hơn Intel. Intel tập trung vào bộ vi xử lý (MPU). TSMC bán rất nhiều thứ, bao gồm cả MPU. Đây là lý do Intel quan tâm đến việc trở thành một xưởng đúc, và cũng là lý do Samsung nỗ lực để trở thành nhà máy đúc hàng đầu thế giới", ông Handy nói.

Thiếu nhân lực có trình độ, vấn đề của ngành chip xứ Hàn

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Hàn Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh trong việc nuôi dưỡng nhân tài tương lai trong ngành công nghiệp chip so với các quốc gia khác.

Khi so sánh Hàn Quốc với Đài Loan, nơi đào tạo hơn 10.000 chuyên gia liên quan đến chip mỗi năm và Mỹ, nơi sử dụng các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới theo đúng nghĩa đen, thì sự khác biệt còn được nhận thấy rõ hơn.

Chính phủ Đài Loan đã bắt đầu nuôi dưỡng 10.000 chuyên gia chip mỗi năm từ 15 năm trước. Họ đã ban hành một dự luật khuyến khích đào tạo về ngành bán dẫn bằng cách tăng 10% số sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến chất bán dẫn vào năm 2021.

Ngược lại, các công ty chip của Hàn Quốc thuê khoảng 10.000 nhân viên mỗi năm và chỉ 1.400 người trong số họ theo học chuyên ngành kỹ thuật bán dẫn, theo cho Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc.

Hiệp hội nói thêm, để giúp Hàn Quốc giữ được vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp chip, chính phủ nên nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp chip bằng cách cung cấp nhiều lợi ích hơn, chẳng hạn như hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, cắt giảm thuế và lập kế hoạch tổng thể để thúc đẩy nhân tài trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đặt ngân sách đào tạo các chuyên gia bán dẫn là 450 tỷ won (314 triệu USD) vào năm 2023, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu nuôi dưỡng 150.000 chuyên gia chip trong 10 năm tới bằng cách cung cấp các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như giúp các trường đại học thành lập các trường chuyên về bán dẫn.

Lee Jong-hwan, giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Bán dẫn Hệ thống tại Đại học Sangmyung chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể về mức lương giữa một sinh viên học chuyên ngành chất bán dẫn và một sinh viên học chuyên ngành phần mềm máy tính hoặc y học khi họ có việc làm sau này.

"Ngành chip cần rất nhiều sinh viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Những sinh viên này phải học rất lâu mới lấy được bằng, nhưng khi đi làm thì lương không chênh lệch nhiều so với những người học ngành IT. Đây là vấn đề cần được giải quyết để có nhiều người trẻ hơn làm việc trong lĩnh vực bán dẫn", ông nói.

"Khi học ở Mỹ, tôi nhận thấy rằng mọi người đánh giá rất cao những người làm việc cho ngành công nghiệp chip. Mô phỏng công nghệ bán dẫn cũng rất quan trọng. Các trường đại học và viện nghiên cứu ở đó rất phát triển.

Ngược lại, tôi đã thấy rất nhiều sinh viên thông minh chọn học y khoa hơn là kỹ thuật bán dẫn ở Hàn Quốc. Nếu quốc gia này tăng cường lợi ích cho những sinh viên quyết định theo học ngành kỹ thuật chip, nhiều người trong số họ sẽ quyết định hướng con đường sự nghiệp của họ trong lĩnh vực này và số lượng kỹ sư trong lĩnh vực chip đương nhiên sẽ tăng lên”, ông nói thêm.

Anh Nguyễn

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.