Các nước RCEP hối thúc Ấn Độ quay trở lại đàm phán
Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), thông tin này được một quan chức Nhật Bản tiết lộ khi 15 nước trên tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị thứ ba trong năm nay và cũng là cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, các bộ trưởng không đưa ra tuyên bố chung tại cuộc họp lần này.
Tại hội nghị trực tuyến diễn ra vào cuối tháng 8/2020, các bộ trưởng của 15 quốc gia đang đàm phán RCEP cho biết họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc tiến tới ký kết thỏa thuận vào cuối năm nay, trong khi vẫn chưa chắc chắn liệu Ấn Độ có tiếp tục là thành viên của khuôn khổ này hay không.
Theo tuyên bố chung, RCEP "vẫn mở cửa cho Ấn Độ vì nước này không chỉ tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP kể từ khi hoạt động này được khởi động vào năm 2012 mà còn ghi nhận tiềm năng của Ấn Độ trong việc đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực".
Triển vọng của RCEP vẫn chưa rõ ràng sau khi Ấn Độ hồi tháng 11/2019 tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán với lý do lo ngại về dòng sản phẩm của Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá thâm nhập thị trường nước này.
Ngoài Ấn Độ, hiện 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia (Ốt-trây-li-a) và New Zealand (Niu Di-lân), đang tham gia đàm phán về RCEP.
RCEP nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. Chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 50% dân số thế giới (nếu bao gồm cả Ấn Độ), RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và ảnh hưởng vượt tầm khu vực. Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên.