|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nước đua nhau đóng cửa để chống dịch

07:58 | 22/03/2020
Chia sẻ
Có thể thấy rằng, để ngăn chặn sự lây lan của virus, đóng cửa đã trở thành một lựa chọn rất thực tế. Mặc dù điều kiện mỗi quốc gia khác nhau và mức độ phong tỏa là khác nhau, nhưng xuất phát điểm đều như nhau, đó là cách ly virus.

Tình hình này rất khác với phản ứng của dư luận quốc tế sau khi Trung Quốc tuyên bố đóng cửa Vũ Hán vào ngày 23/1. Khi Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán, tờ New York Times nhận xét, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách hạn chế sự di chuyển của hàng chục triệu người là một biện pháp chiết trung đầy rẫy vấn đề về xã hội, chính trị và đạo đức; cho rằng “Trung Quốc làm điều này vì đó là một quốc gia chuyên chế”.

The Wall Street Journal ngày 12/3 nói khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán trong nỗ lực chống lại sự bùng phát dịch bệnh do virus Corona mới, một số quan chức y tế công cộng toàn cầu đã cảnh báo rằng phương pháp tiếp cận kiểu bàn tay sắt này không phù hợp với quy cách đối phó với dịch bệnh toàn cầu.

Các nước đua nhau đóng cửa để chống dịch - Ảnh 1.

Ngày 15/3, đường phố Berlin rất vắng vẻ

Ông James G. Hodge Jr., giám đốc Trung tâm chính sách và luật y tế công cộng thuộc Đại học bang Arizona, tuyên bố, “đóng cửa” gần như chắc chắn sẽ dẫn đến “vi phạm nhân quyền”; nếu ở Mỹ rõ ràng là  hành vi “vi phạm Hiến pháp”, là “một cách tiếp cận mạo hiểm”. Ông Hodge cũng nói thêm rằng làm như vậy rõ ràng là “phản ứng thái quá”. 

Lawrence Gostin, một chuyên gia y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Georgetown, cũng cho rằng các quốc gia cần phải giữ thái độ nghi ngờ về chính sách phong tỏa.

Ông nói: “Trung Quốc có một thể chế chính trị rất đặc biệt, có thể buộc công dân của họ tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt, nhưng sự kiểm soát và giám sát của quốc gia này không phù hợp với các quốc gia khác”. 

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hồi tháng 1 công khai nói: “Chúng tôi sẽ không đóng cửa, chúng tôi không cần phải đeo khẩu trang, vì điều này vi phạm nhân quyền và vi phạm tinh thần tự do”.

Có thể nói, khi dịch bệnh Covid-19 mới xảy ra chủ yếu ở Trung Quốc, việc đóng cửa được một số cơ quan truyền thông mô tả là tàn dư phong kiến, biện pháp chỉ được thực hiện bởi các nước chuyên chế, không có nhân quyền và tự do.

Khi Hàn Quốc tuyên bố hồi tháng 2 sẽ thực hiện “các biện pháp phong tỏa tối đa” đối với Daegu và Gyeongsangbuk-do, Tổng thống Moon Jae-in đã phải đứng ra để thanh minh “chính sách phong tỏa tối đa” không phải là đóng cửa khu vực, với ý không muốn mang tiếng chuyên chế. 

Ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy các biện pháp khắc nghiệt không mong muốn đã chiến thắng virus và cứu sống mọi người; kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy sự ôn hòa và tự do chính là đồng minh của virus Corona mới”.

Để đối phó với dịch bệnh Covid-19, tối 19/3, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã tuyên bố “phong thành” (đóng cửa, phong tỏa) toàn bang, yêu cầu 40 triệu người dân phải ở nhà, không được ra ngoài. 

Trước đó, ngày 16/3, San Francisco đã tuyên bố đóng cửa; mọi cư dân phải ở trong nhà từ nửa đêm hôm đó, chỉ được phép ra ngoài khi có trường hợp đặc biệt. Chính phủ Kazakhstan đã thực hiện biện pháp đóng cửa từ 00h00 ngày 19/3 đối với thủ đô Nur Sultan và thành phố lớn nhất Almaty.

Ngoài các biện pháp đóng cửa các thành phố, nhiều quốc gia đã đóng cửa cả nước. Tây Ban Nha công bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày kể từ ngày 14/3. Ngoại trừ một số trường hợp nhất định, mọi người trong cả nước phải ở nhà và không được phép ra đường phố. 

Chính phủ Cộng hòa Séc tuyên bố đóng cửa cả nước từ nửa đêm ngày 15/3, nghiêm cấm việc đi lại không cần thiết của người dân và cách ly toàn dân tại nhà trên khắp đất nước. 

Bỉ ngày 17 /3 đã thông báo thực hiện đóng cửa toàn quốc từ 12h00 ngày 18/3 tới 5 tháng 4. Tối ngày 16/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố Pháp “ở trong tình trạng chiến tranh” và thực hiện các biện pháp giới nghiêm luật toàn diện.

Tại Italy, 11 thị trấn ở phía bắc đã bị đóng cửa từ ngày 23/2; ngày 8/3 lệnh đóng cửa được mở rộng ra hầu hết miền bắc, bao gồm các thành phố như Milan và Venice. Tới 10/3 lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn nước quốc. 

Theo lệnh này, tất cả cư dân không được phép vào và rời thành phố (trừ công việc, trường hợp khẩn cấp hoặc tình trạng điều trị y tế phải khai báo rõ lý do).

Iran, quốc gia trước đây đã mạnh mẽ phản đối việc phong tỏa thành phố, ngày 4/3 cũng bắt đầu công bố lệnh cấm ra vào 2 tỉnh; đến  ngày 7/3, phạm vi lệnh cấm được mở rộng ra 16 tỉnh. Mặc dù việc đóng cửa không được công bố chính thức, nhưng thực tế đã phong tỏa.

Lúc đầu, các quốc gia đã bị sốc với việc đóng cửa thành phố Vũ Hán và tới tấp có thái độ phủ nhận cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, xét từ các biện pháp đóng cửa được nhiều quốc gia áp dụng, việc đóng cửa thành phố, đóng cửa đất nước là có thể chấp nhận. Khi dịch bệnh nghiêm trọng, các nước đều áp dụng biện pháp mạnh về hành chính và pháp lý; điều này không liên quan gì đến ý thức hệ.

Từ việc Trung Quốc đi đầu trong việc đóng cửa đến các nước khác cũng đóng cửa, không có nghĩa là chủ nghĩa chuyên chế đã chiến thắng, cũng không có nghĩa là chủ nghĩa tự do đã bị thách thức và bị thu hẹp. 

Trong thời đại toàn cầu hóa này, các quốc gia đều có hiểu biết khoa học cơ bản về phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Tại các quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, dân chúng đều hiểu tự do là tương đối và tự do bị hạn chế bởi luật pháp. Gắn việc đóng cửa, phong tỏa với các khái niệm chính trị như dân chủ hay chuyên chế sẽ chỉ làm phức tạp vấn đề và gây thành trò cười.


Thu Thuỷ

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.