Các nhà xuất khẩu ngũ cốc Mỹ hoảng loạn sau khi dịch ASF tấn công Đông Nam Á
Xuất khẩu ngũ cốc Mỹ dùng làm thức ăn chăn nuôi sang các nước như Việt Nam, Myanmar và Philippines đã tăng gần 50% trong năm ngoái lên mức kỉ lục 12,3 triệu tấn.
Điều đó đã giúp giảm bớt thương tổn từ cuộc khủng hoảng đã xóa sạch gần ba phần tư doanh số bán vụ mùa tương tự sang Trung Quốc khi Washington và Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trả đũa thuế quan thương mại.
Tuy nhiên, qui mô của các chuyến hàng đến Đông Nam Á có thể bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi (ASF) làm nổi bật thách thức đối với người trồng trọt ở vành đai ngũ cốc Mỹ rằng trừ khi một thỏa thuận thương mại mở cửa lại thị trường Trung Quốc, nông dân sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc dự trữ, không bán vụ mùa.
"Sản lượng thịt heo (ở Philippines), cũng như nhu cầu về thức ăn chăn nuôi thương mại có thể giảm, giống như những gì đã xảy ra ở các nước khác", ông Edwin Chen, Chủ tịch Liên đoàn sản xuất thịt heo Philippines, cho biết.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi từ ngũ cốc đang chậm lại ở Philippines, nhà nhập khẩu bột đậu nành lớn thứ 4 thế giới, sau khi dịch ASF bùng phát.
Mặc dù không gây hại cho con người, nhưng dịch gây chết gần như 100% ở heo, và hiện tại không có vacxin phòng bệnh.
Bệnh dịch xuất hiện lần đầu tiên ở châu Á cách đây hơn một năm (tại Trung Quốc) và đã lan rộng ra hơn 50 quốc gia, theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), gồm cả những quốc gia chiếm 75% sản lượng thịt heo toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu ngũ cốc "khủng"
Khu vực Đông Nam Á có sự kết hợp giữa dân số lớn, các thành phố rộng lớn, nền kinh tế phát triển nhanh và sản xuất mùa vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hạn chế đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng gần 25% trong nhập khẩu ngô và bột đậu nành trong 5 năm qua.
Khu vực đã trở thành thị trường xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba, khiến cho bất kì sự sụt giảm mạnh nào về nhu cầu càng trở nên đáng báo động đối với các nhà cung cấp.
Sự tăng trưởng nhanh chóng cũng đảm bảo cạnh tranh gay gắt cho việc kinh doanh, với các tổ chức xuất khẩu thường xuyên cử phái đoàn thương mại trong cuộc chiến giành thị phần.
Hội đồng xuất khẩu đậu nành Mỹ (USSEC) là một trong những cơ quan như vậy. Nó đã giúp thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trên toàn khu vực như một phần của chiến lược "What it Takes" (tạm dịch "Họ cần gì"), được thiết kế ít nhất một phần để bù đắp doanh số bị thiệt hại trên thị trường Trung Quốc.
"Việc đa dạng hóa thị trường là trọng tâm chính của USSEC trong nhiều năm", theo ông Rosalind Leeck, Giám đốc khu vực tại Bắc Á của USSEC.
Những nỗ lực đó đã được đền đáp vào năm 2018, khi doanh số bán khổng lồ các cây trồng và bột đậu nành Mỹ vào Đông Nam Á đã báo cáo lợi nhuận hàng năm lớn nhất từ trước đến nay của USSEC, lần đầu tiên vượt qua xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thiệt hại lan rộng
Tuy nhiên, những lợi ích khó đạt được này đang có nguy cơ bị đảo ngược bởi dịch ASF, khi Đông Nam Á chiếm 15% tổng lượng ngô và bột đậu nành nhập khẩu, vì vậy bất kì sự sụt giảm đáng kể nào về số lượng động vật sẽ dẫn đến giảm nhập khẩu cây trồng dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Theo hai thương nhân bán ngũ cốc giấu tên của Mỹ và Nam Mỹ cho khu vực, lượng ngô và bột đậu nành dự kiến sẽ giảm khoảng 1 triệu tấn mỗi năm chỉ riêng tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 6 thế giới, khoảng 4,7 triệu con heo đã bị tiêu hủy vì dịch ASF đã lan ra tất cả 63 tỉnh, thành kể từ khi được phát hiện vào tháng 2. Đến cuối tháng 7, đàn heo đất nước đã giảm 18,5% xuống còn 22,2 triệu con, theo Reuters.
Trong khi đó, Thái Lan, nhà nhập khẩu bột đậu nành lớn thứ 5 thế giới, đã bắt đầu tiêu hủy heo trong tháng 9 vì lo ngại về sự bùng phát của dịch ASF sau cái chết không rõ nguyên nhân của hai con heo tại một tỉnh gần nơi bùng phát ổ dịch đầu tiên của Myanmar hồi đầu tháng trước.
Hiện tại, những người theo dõi ngành công nghiệp cho biết nông dân châu Á và các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ sẽ cần phải buộc dây cho một chuyến đi đầy sóng gió của mình.
Ole Houe, Giám đốc dịch vụ tư vấn tại công ty môi giới IKON Hàng hóa ở Sydney, nhận định đây là một đòn giáng mạnh đối với nhu cầu thức ăn chăn nuôi khi Trung Quốc đã tiêu huỷ hơn 30% đàn heo trên cả nước.
"Hiện tại, dịch đang lan rộng vào Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc. Đó là tin xấu hơn cho người trồng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi ở Mỹ và người chăn nuôi ở châu Á".