Các ngân hàng Mỹ cảnh báo những rủi ro đối với nền kinh tế
Các ngân hàng lớn của Mỹ ngày 14/4 đã công bố báo cáo lợi nhuận quý I/2022, tiếp tục cho thấy tình hình tài chính của các gia đình và các doanh nghiệp nước này vẫn mạnh, nhưng cảnh báo những rủi ro đến từ lạm phát, căng thẳng địa chính trị và sự chuyển hướng chính sách tiền tệ nhanh.
Các ngân hàng Citigroup, Goldman Sachs và Wells Fargo đều công bố lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái, khi các kết quả kinh doanh được thúc đẩy nhờ việc giải phóng khoản dự phòng nợ xấu đã dành ra khi đại dịch bùng phát.
Giám đốc điều hành (CEO) các ngân hàng cho rằng sự không chắc chắn về xung đột tại Ukraine đã làm phức tạp thêm nền kinh tế vốn đã khó dự báo và hiện vẫn đang phải đương đầu với những tác động của đại dịch. Những lo ngại về địa chính trị cũng trì hoãn các đợt chào báo cổ phiếu lần đầu ra công chúng, một nguồn doanh thu của ngân hàng đầu tư.
CEO Goldman Sachs, David Solomon, cho rằng đang hiện hữu một loạt rủi ro đối với nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn thấp và lương đang tăng, lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập niên. Chuỗi cung ứng lại bị gián đoạn và các gia đình Mỹ đang phải đối mặt với sự gia tăng giá khí đốt, thực phẩm cũng như giá nhà. Nguy cơ đình trệ gia tăng và có những tín hiệu trái chiều về lòng tin tiêu dùng.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển hướng thắt chặt chính sách tiền tệ vừa tác động tích cực, vừa gây bất lợi cho các ngân hàng. Wells Fargo là một ví dụ, khi ngân hàng này báo cáo nguồn thu ròng từ lãi suất tăng nhờ việc có thể tăng lãi suất các khoản vay, nhưng cũng chứng khiến thị trường cho vay thế chấp giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 2003, do có ít khách hàng đổi ngân hàng hơn khi lãi suất tăng.
CEO Citigroup, Jane Fraser, cho rằng triển vọng từ nay đến cuối năm là phức tạp và không chắc chắn.
Citigroup báo cáo lợi nhuận quý I/2022 giảm 46%, xuống 4,3 tỷ USD, trong khi doanh thu giảm 2%, xuống 19,2 tỷ USD.
Lợi nhuận của Citigroup giảm do chi phí tăng. Ông Fraser cho rằng tình hình địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi đã khiến kết quả kinh doanh của mảng ngân hàng đầu tư kém hơn, trong khi các khoản vay thương mại và các giao dịch qua biên giới vẫn cao.
Ngân hàng có trụ sở tại New York, có nhiều hoạt động liên quan đến Nga hơn các đối thủ, đã dành ra khoản dự phòng 1,9 tỷ USD liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Với Goldman Sachs, lợi nhuận đạt 3,8 tỷ USD, giảm 43%, trong khi doanh thu giảm 27%, xuống 12,9 tỷ USD.
Goldman Sachs chứng kiến doanh thu từ hoạt động quản lý tài sản và bảo lãnh cổ phiếu, trái phiếu giảm mạnh, trong khi các bộ phận giao dịch vẫn hoạt động mạnh dù thị trường biến động. Ngân hàng này thiệt hại 300 triệu USD liên quan đến Nga. Ông Solomon cho biết mức độ liên quan của Goldman đến cuộc xung đột tương đối hạn chế.
Trong khi đó, Wells Fargo báo cáo lợi nhuận đạt 3,7 tỷ USD, giảm 20,8%, còn doanh thu giảm 5,1%, xuống 17,6 tỷ USD. CEO Wells Fargo, Charlie Scharf, cho rằng các số liệu nội bộ cho thấy tình hình tài chính của khách hàng vẫn mạnh, nhưng cảnh báo các nỗ lực của Fed nhằm kiểm soát lạm phát chắc chắc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và xung đột tại Ukraine gây thêm rủi ro.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) Agustin Carstens cảnh báo thế giới đang đối mặt với một kỷ nguyên lạm phát cao, khi mối quan hệ giữa phương Tây, Nga và Trung Quốc diễn biến kém thuận lợi, và tiến trình toàn cầu hóa bị đảo ngược do những tác động của đại dịch COVID-19.
Giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng mạnh khiến gần 60% các nền kinh tế phát triển có mức lạm phát hàng năm trên 5%, mức cao nhất kể từ cuối những năm 1980, trong khi con số này là trên 7% ở hơn một nửa số nền kinh tế đang phát triển.
Trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh cùng một loạt các nền kinh tế kém phát triển hơn đang trong tiến trình tăng lãi suất từ các mức thấp kỷ lục, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ phải được đẩy nhanh hơn nếu những thay đổi căn bản tiếp tục.
Ông Carstens cho rằng môi trường lạm phát có thể đang thay đổi về căn bản và các ngân hàng trung ương sẽ cần có sự điều chỉnh.
Giá năng lượng, hàng hóa và lương thực đang bị đẩy lên do xung đột tại Ukraine. Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do cả đại dịch và các cuộc chiến thương mại, trong khi chi phí sinh hoạt tăng sẽ khiến người lao động yêu cầu tăng lương.
Ông Carstens cũng cho biết, lạm phát được dự báo ở mức trên 4,5% tại Mỹ và đa phần các nước châu Âu trong hai năm tới và trên 3,5% ở nhiều nền kinh tế tiên tiến khác.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải nhanh chóng thực hiện những điều chỉnh để kiểm soát lạm phát.
Theo ông Carstens, lãi suất phải được nâng lên trên các mức trung lập. Điều này sẽ gây ra những tác động trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và việc làm nhưng sẽ giúp tránh được những thiệt hại lớn trong thời gian tới.