|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng châu Âu cân nhắc sáp nhập để tồn tại

17:42 | 21/09/2020
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng tại khu vực châu Âu phải gấp rút gia tăng qui mô để đối phó với những bất ổn do COVID gây ra. Sáp nhập là phương án được các ngân hàng tính tới nhằm giảm chi phí và mức độ cạnh tranh.

Hàng loạt "ông lớn" ngân hàng tính chuyện sáp nhập

Theo The Wall Street Journal, đại dịch COVID-19 đẩy các ngân hàng ốm yếu ở châu Âu vào tình thế phải mở rộng qui mô hoặc bị "khai tử". 

Tại thủ đô của các nước châu Âu, nhiều ngân hàng đang tìm cách sáp nhập với nhau sau một thập kỉ ghi nhận lợi nhuận thấp. Cùng với đó, họ cũng lên kế hoạch đối phó với thời kì lãi suất thấp kéo dài, triển vọng kinh tế ảm đạm và các khoản nợ xấu tăng lên do người vay phải vật lộn duy trì việc làm và hoạt động kinh doanh gặp khó trong thời gian dịch bệnh.

Trong bối cảnh hiện tại, sáp nhập giúp các ngân hàng kết hợp bảng cân đối kế toán, loại bỏ một lượng lớn chi phí nhờ đóng cửa các chi nhánh chồng chéo và sa thải nhân viên.

Tại Thụy Sĩ, UBS Group AG đang nghiên cứu phương án mua lại đối thủ Credit Suisse Group AG. 

Còn ở Tây Ban Nha, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, CaixaBank đang trong quá trình mua lại Bankia SA để thành lập ngân hàng nội địa lớn nhất nước này. Một nhà cho vay khác là Banco de Sabadell SA cũng đang để ngỏ các phương án bao gồm cả việc sáp nhập trong nước, một nguồn tin nội bộ cho biết.

Christian Sewing, giám đốc điều hành của Deutsche Bank - năm ngoái đã từng đàm phán sáp nhập với đối thủ Commerzbank nhưng không thành công, mới đây cho biết ngân hàng của ông muốn tham gia hợp nhất khi cải thiện được khả năng sinh lời. Bản thân Commerzbank cũng đang gặp khó khăn trong việc tạo lợi nhuận và có thể vẫn cần tìm một đối tượng để "kết hôn".

Một loạt ngân hàng khác tại châu Âu cũng đang xúc tiến các cuộc trao đổi nội bộ để tìm đường ra thời COVID-19, trong đó có cả phương án sáp nhập. Ngay cả những ngân hàng "khỏe mạnh" vốn không mặn mà sáp nhập thì nay cũng phải nhập cuộc khi chính phủ các nước châu Âu muốn tìm ra vị "cứu tinh" cho những ngân hàng yếu kém.

Trong khi đó, nhiều nhà băng khác đang tiến hành định vị lại bản thân nếu phải tiến hành các thương vụ M&A xuyên biên giới.

Sáp nhập để tồn tại

"Sáp nhập, ngay bây giờ, là một động thái sống còn. Các ngân hàng cần phải tăng qui mô để đối phó với những bất ổn do COVID gây ra", một quan chức ngân hàng ở Tây Ban Nha cho biết.

Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng châu Âu đã được nhắc đến nhiều trong thập kỉ qua do các quốc gia tại "lục địa già" có hệ thống ngân hàng phân tán với quá nhiều ngân hàng thành viên và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) rất thấp hoặc thậm chí bằng 0.

Tỉ suất ROE, một thước đó quan trọng về khả năng sinh lời của các ngân hàng châu Âu đã giảm còn 1,3% vào cuối quí I/2020, từ mức 5,7% vào cuối năm 2019. Nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn để trang trải chi phí thì tại Mỹ, các ngân hàng lại lớn mạnh lên cùng nền kinh tế này trong nhiều năm qua và thậm chí họ còn mạnh tay đầu tư vào cải tiến công nghệ và tích lũy vốn mà không cần huy động vốn từ các cổ đông.

Chỉ số Stoxx Europe 600 Banks của ngành ngân hàng châu Âu giảm 40% từ đầu năm đến nay. Giá trị giao dịch chỉ bằng một phần nhỏ so với tài sản ròng của các ngân hàng châu Âu, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư hoài nghi về khả năng sinh tồn cũng như sinh lời của các ngân hàng này.

Các ngân hàng châu Âu cân nhắc sáp nhập để tồn tại - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số Stoxx Europe 600 Banks kể từ đầu năm. (Nguồn: The Wall Street Journal)

"Cơn đau đớn của các ngân hàng châu Âu sẽ thực sự bắt đầu vào năm 2021 và đến lúc đó, họ cần chuẩn bị để đối mặt với bão tố", João Soares, chuyên gia tư vấn tài chính của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) nhận định.

Tuy nhiên, làn sóng M&A ngành ngân hàng châu Âu lại gặp khó do các rào cản pháp lí cùng việc hình thành đội ngũ quản lí đơn vị sau khi sáp nhập. 

Nhiều cuộc trao đổi giữa các ngân hàng châu Âu đã diễn ra nội bộ và chưa thể chuyển thành các cuộc đàm phán chính thức về M&A. Hầu hết các cuộc trao đổi đó mới dừng ở mức độ thỏa thuận trong nước để cắt giảm chi phí hoạt động mà chưa đi đến thương vụ xuyên biên giới. Do vậy, để các thương vụ được hoàn tất, đòi hỏi sự can thiệp sâu hơn và tháo gỡ của chính phủ các nước châu Âu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cơ quan giám sát các ngân hàng lớn nhất của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), mới đây ban hành dự thảo hướng dẫn về một số vấn đề phổ biến trong hoạt động sáp nhập nhằm khuyến khích các ngân hàng có ý định thực hiện các thương vụ.

"Trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 ập đến, việc cắt giảm chi phí và cơ cấu lại ngành ngân hàng đã là yêu cầu quan trọng", ông Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu trả lời báo chí gần đây. "Đại dịch càng đẩy nhanh yêu cầu đó và thôi thúc các ngân hàng khẩn trương hợp nhất", ông Luis de Guindos cho biết thêm.

Quốc Thụy

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.