Các khoản cho vay mới của ngành ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh
Tổng giá trị các khoản cho vay mới của các ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7/2021, xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng cũng nằm ở mức thấp nhất trong 17 tháng, làm tăng thêm kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để củng cố đà phục hồi kinh tế nước này.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi phần lớn sau những tổn thương do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái, nhưng những đợt bùng phát mới đây của biến thể Delta và lũ lụt nghiêm trọng đang đe dọa làm chậm quá trình phục hồi ấy.
Theo dữ liệu do PBOC công bố vào ngày 11/8, các khoản vay mới của các ngân hàng Trung Quốc ở mức 1.080 tỷ NDT (166,5 tỷ USD) trong tháng 7/2021, giảm nhiều so với mức tương ứng 2.120 tỷ NDT của tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đã dự đoán các khoản cho vay bằng đồng NDT mới của các ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm xuống 1.200 tỷ NDT trong tháng 7 vừa qua, cao hơn mức tương ứng 992,7 tỷ NDT ghi nhận vào cùng kỳ năm 2020.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, các khoản vay mới của các ngân hàng Trung Quốc lên tới 12.760 tỷ NDT, ngay cả khi PBOC đang tìm cách hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng để kiềm chế rủi ro nợ trong bối cảnh số nợ xấu ngày càng tăng.
Thị trường tài chính Trung Quốc đang chờ các dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách nước này sẽ công bố các biện pháp bổ sung để kích thích tăng trưởng kinh tế, vốn ở mức vừa phải sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19. Vào tháng 7/2021, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng và các nhà phân tích dự kiến sẽ có một đợt cắt giảm RRR nữa trong năm nay.
Nhiều nhà phân tích đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021, khi nước này áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch với biến thể Delta.
Việc tiếp tục hạn chế đầu cơ bất động sản, giá nguyên liệu thô cao hơn, kiểm soát tình trạng ô nhiễm khó khăn hơn và lũ lụt nghiêm trọng ở một số khu vực tại Trung Quốc cũng đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.