Các hãng hàng không thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều sức ép
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, hãng phân tích Cirium có trụ sở tại London (Anh) nhận định rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn cả những kịch bản bi quan nhất.
Ngành công nghiệp hàng không quốc tế sẽ chỉ có thể phục hồi về mức năm 2019 vào năm 2024, thay vì quí II/2021 như đã dự báo trước đó.
Mặt khác, dữ liệu của công ty tư vấn hàng không CTAIRA (Anh) chỉ ra rằng dự báo lượng khách đặt chỗ cho các chuyến bay trong tháng 11 và 12 lần lượt giảm 81% và 78%.
Các hãng hàng không đang phải đối mặt với nhiều sóng gió, từ chi phí thuê máy bay cao cho đến giá dầu biến động. Hơn nữa, với khoản nợ tăng vọt, nhu cầu huy động vốn là cấp thiết do nhiều hãng hàng không thiếu tiền mặt để tồn tại, các nhà quan sát nhận định.
Khoảng 43 hãng bay thương mại trên thế giới đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động kể từ đầu năm nay, theo dữ liệu của Cirium.
Để giúp ngành hàng không tránh viễn cảnh phá sản thì sự hỗ trợ của chính phủ là cần thiết nhưng điều này lại không chắc chắn. Ông Brendan Sobie, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Sobie Aviation có trụ sở tại Singapore, chia sẻ với SCMP: "Vấn đề các hãng hàng không phá sản trở nên nghiêm trọng ra sao còn phụ thuộc vào việc liệu các chính phủ có tiếp tục hỗ trợ hay không".
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các đơn đặt hàng máy bay mới giảm do đại dịch và các máy bay hiện có nằm đất quá lâu. Một số hãng lớn như Virgin Australia, Virgin Atlantic, Cathay Dragon hay Thai Airways đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Cathay Pacific sa thải hơn 8.500 nhân viên, nhà sản xuất máy bay Boeing thông báo cắt giảm hơn 30.000 nhân viên vào cuối năm tới.
Hiệp hội Du lịch Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết tổng doanh thu toàn ngành dự kiến giảm 46% vào năm 2021 so với năm 2019. IATA dự báo: "Ngành hàng không sẽ phải cắt giảm 40% nguồn lực để phù hợp với nhu cầu bay hiện nay".