Các hãng hàng không muốn dùng xét nghiệm thay cho cách li
Ông Conrad Clifford, Phó Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IATA cho biết họ đang hợp tác với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để lắp đặt các hệ thống xét nghiệm nhanh, có thể nhân rộng và giá cả phải chăng.
Ông Clifford nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 19/10: "Chúng tôi cần xét nghiệm để loại bỏ việc cách li. Biện pháp cách li 14 ngày không khác gì đóng cửa biên giới cả".
Clifford cho biết IATA "muốn thực hiện xét nghiệm trước khi máy bay khởi hành. Lí tưởng nhất là nếu chúng tôi có thể tìm thấy các quốc gia có mức độ rủi ro COVID-19 tương tự nhau thì không cần phải xét nghiệm thêm, giống như Singapore và Hong Kong".
Tuần trước, Singapore và Hong Kong đã đồng ý mở cửa biên giới với nhau để giúp khôi phục mối liên kết giữa hai trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. Người dân di chuyển giữa hai thành phố sẽ không cần phải cách li bắt buộc. Các chi tiết khác của thỏa thuận chưa được công bố.
Ông Clifford nhận định mỗi cuộc xét nghiệm nên có giá dưới 10 USD. Ông cũng nói rằng rủi ro hành khách nhiễm COVID-19 là "rất thấp" trong bối cảnh các hãng hàng không khử trùng kĩ càng hơn, đồng thời cắt giảm dịch vụ ăn uống và tạp chí trên chuyến bay.
Ông Clifford cho biết xác suất hành khách nhiễm COVID-19 trên máy bay còn thấp hơn cả rủi ro bị sét đánh. Dựa trên khoảng 44 trường hợp có khả năng lây nhiễm COVID-19 trên máy bay được ghi nhận trong năm nay, xác suất hành khách bị nhiễm COVID-19 là khoảng 1 trên 27 triệu người.
"Các hãng hàng không đã thực hiện rất nhiều biện pháp để nỗ lực kéo xác suất hành khách nhiễm COVID-19 xuống gần bằng 0 nhất có thể. Môi trường trong máy bay thực sự rất an toàn".
Hồi tháng 6, IATA dự đoán ngành hàng không sẽ lỗ 84 tỉ USD trong năm nay vì COVID-19. Tuy nhiên, ông Clifford nói rằng con số thực sự sẽ còn lớn hơn vì thị trường chưa mở cửa như kì vọng trước đó. IATA dự đoán phải đến năm 2024 thì nhu cầu di chuyển mới hồi phục về mức trước đại dịch.
Ông Clifford nói rằng chuyên chở hàng hóa "là một chút may mắn trong vận rủi" của ngành hàng không, được thúc đẩy một phần bởi mua sắm trực tuyến. Xu hướng này được cho sẽ tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Dự kiến vận tải hàng hóa sẽ chiếm khoảng 26% doanh thu của toàn ngành trong năm nay, tăng mạnh so với tỉ trọng 12% năm 2019.
Giá cước vận chuyển tăng vọt sau khi hàng nghìn máy bay phải "đắp chiếu" vì các lệnh hạn chế đi lại. Điều này thúc đẩy các hãng hàng không chuyển đổi máy bay chở khách sang vận chuyển hàng hóa.