Các hãng hàng không giá rẻ trước nguy cơ phá sản
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Japan sẽ là hãng hàng không đầu tiên rút khỏi thị trường Nhật Bản do ảnh hưởng của COVID-19 từ tháng 12 tới.
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Japan vừa tuyên bố sẽ chính thức đóng cửa toàn bộ 4 đường bay trong nội địa Nhật Bản từ ngày 5/12.
Lý do được AirAsia Japan đưa ra là do lượng khách giảm mạnh khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Như vậy, đây sẽ là hãng hàng không đầu tiên rút khỏi thị trường Nhật Bản do ảnh hưởng của COVID-19.
Theo báo Yomiuri, mặc dù ngành hàng không thế giới chịu thiệt hại nặng nề bởi COVID-19, song các hãng hàng không giá rẻ (LCC) với nguồn lực không mấy dồi dào là những đối tượng có nguy cơ phải đóng cửa sớm hơn.
Khởi nguồn từ Malaysia, Air Asia là hãng hàng không giá rẻ có tốc độ phát triển nhanh chóng kể từ sau năm 2000 với sự dẫn dắt của nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Tony Fernandes. Air Aisa được biết đến như là một trong những hãng tiên phong trên thị trường LCC với chiến lược nâng cao hiệu suất sử dụng của máy bay để cắt giảm chi phí.
Với những thành công nhanh chóng, Air Asia đã liên tục mở thêm các công ty liên doanh ở Thái Lan, Philippines. Chủ trương của Air Asia là tập trung khai thác các đường bay ngắn và tầm trung trong châu Á và nhắm tới lượng khách có thu nhập trung bình khá ngày càng tăng tại khu vực này.
Tại Nhật Bản, Air Asia cũng đã thành lập AirAsia Japan từ năm 2014 với sự góp vốn của tập đoàn thương mại Rakuten và tập đoàn thể thao Alpen. AirAsia Japan đóng trụ sở tại sân bay Chubu (Nagoya) và bắt đầu khai thác 4 đường bay nội địa từ năm 2017.
Bước vào năm 2020, tình hình kinh doanh của AirAsia Japan gặp nhiều khó khăn kể từ khi chính phủ nhiều nước hạn chế người dân đi lại để khống chế dịch COVID-19. Theo thông báo, hãng này đã lỗ 25 tỷ yên (238 triệu USD) trong thời gian từ tháng 4-6/2020.
Không chỉ AirAsia Japan, các hãng hàng không giá rẻ khác trên thế giới cũng đang gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hãng hàng không Flybe của Anh đã đệ đơn xin phá sản hồi tháng 3/2020, trong khi hai hãng hàng không giá rẻ khác tại Thái Lan là NokScoot và Nok Air cũng đã lần lượt tuyên bố phá sản từ tháng 6/2020.
Tại Nhật Bản, tình hình kinh doanh của các hãng LCC cũng không mấy khả quan. Jetstar Japan, hãng bay giá rẻ do hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines chiếm 50% cổ phần, ra thông báo mức lỗ 7,7 tỷ yên (73,3 triệu USD) trong tháng 6/2020. Để khắc phục khoản lỗ này, Jetstar đang nỗ lực cắt giảm chi phí bằng cách cho 600 phi công và tiếp viên thôi việc theo nguyện vọng hoặc nghỉ việc không lương dài han.
Zipair Tokyo, công ty con với 100% vốn của Japan Airlines, cũng đã phải quyết định hoãn khai thác các chuyến ban quốc tế mặc dù Zipair Tokyo vốn dự định đưa vào hoạt động từ tháng 5/2020.
Hiện nay, hãng này đang duy trì hoạt động bằng cách vận chuyển hàng hóa để không mất chi phí cho phi hành đoàn. Peach Aviation, công ty do hãng hàng không ANA đầu tư, đã thông báo mức lỗ 9,4 tỷ yên (89,5 triệu USD) trong tháng 3/2020.
Khó khăn lớn đối với ngành hàng không là dù có giảm chuyến hay ngừng bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì vẫn phải mất chi phí cho những vấn đề khác như bảo dưỡng máy bay, chi phí bãi đỗ, trả lương cho nhân viên. Nguồn thu sụt giảm mạnh, nhưng chi phí không thể cắt giảm mạnh theo mức đó. Do vậy, khó khăn về tài chính là tình trạng chung của cả ngành.
Đặc biệt, các hãng hàng không giá rẻ LCC, xuất phát là các hãng kinh doanh với tiêu chí giá rẻ, không có nhiều dư địa để có thể cắt giảm chi phí hơn nữa. Theo tính toán, nếu như các hãng hàng không bình thường chỉ cần đạt tỷ lệ 60% lượng khách là sẽ có lãi, song đối với các hãng LCC, con số này phải là 80%.
Do đó, khó khăn thêm chồng chất đối với các hãng LCC và tình hình này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài ngay cả khi nhu cầu dần phục hồi.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải ít nhất đến năm 2024, nhu cầu đi lại bằng máy bay mới có thể phục hồi như trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, tình hình kinh doanh trong ngành này sẽ rất khó khăn trong vài năm tới.
Giáo sư Tozaki Hajime thuộc trường Đại học Obirin, chuyên gia hàng không Nhật Bản, nhận định tình trạng phá sản trong ngành này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.