Các chuyên gia dự báo mãi mà suy thoái vẫn chưa đến, phe lạc quan có thêm hy vọng vào nền kinh tế Mỹ
Sống lại hy vọng
Một nhóm nhỏ các nhà kinh tế đang đi ngược với số đông và quả quyết rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái, bất chấp chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt nhất trong hàng chục năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các dữ liệu kinh tế gần đây đã cho họ có thêm niềm tin vào ý kiến của mình.
Đa số các chuyên gia kinh tế đều từng dự đoán rằng đến thời điểm hiện tại, Mỹ sẽ chứng kiến thiệt hại đáng kể đến thị trường lao động và tiêu dùng cá nhân. Nhưng thay vào đó, tỷ lệ thất nghiệp lại đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, người tiêu dùng vẫn mua sắm và thị trường nhà đất bắt đầu ổn định trở lại. Cùng lúc đó, lạm phát đã dịu xuống đáng kể.
Sự kết hợp trên đang làm sống lại hy vọng của những người tin tưởng thực sự về kịch bản “hạ cánh mềm”. Tức là, áp lực giá tiêu tan mà không có tổn thất việc làm to lớn hoặc suy thoái kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powel cũng nằm trong nhóm thiểu số này.
Trong số 27 chuyên gia dự báo mà Bloomberg khảo sát vào đầu tháng 5, chỉ 5 người cho biết họ không dự kiến Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu suy thoái mà phe bi quan đưa ra liên tục bị đẩy lùi, bởi tốc độ tăng trưởng tiền lương đáng kể và tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch vẫn đang thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ.
Bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Morgan Stanley, cho biết: “Chúng ta đều đã nghe đến phát chán tuyên bố kiểu ‘Lần này sẽ khác’. Nhưng thực sự tình hình hiện nay là độc nhất vô nhị, không có tiền lệ trong quá khứ”.
Bà Zentner là một trong những người lạc quan hiếm hoi trên Phố Wall. Nhưng bà cũng cảnh báo rằng nền kinh tế đang “chấp chới một cách nguy hiểm gần mặt đất”.
Lời của bà Zentner cũng tương tự với những gì Chủ tịch Powell nói với các phóng viên hồi đầu tháng này, sau khi Fed nâng lãi suất lên trên 5%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007. Ông phát biểu: “Có thể lần này thực sự sẽ khác. Nhưng tôi không thể đưa ra lời hứa hẹn nào”.
Các dữ liệu kinh tế gần đây ủng hộ phe lạc quan. Hoạt động tuyển dụng mạnh lên trong tháng 4, kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,4%.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng gia tăng, đặc biệt trong nhóm từ 25 đến 54 tuổi mà các nhà kinh tế gọi là “độ tuổi lao động chính”.
Tháng trước, tỷ lệ này leo lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, làm giảm bớt áp lực lên nguồn cung lao động. Đồng thời, số việc làm đang tuyển dụng cũng đang đi xuống, cho thấy nhu cầu cũng đang hạ nhiệt.
Cũng trong tháng 4, doanh số xe hơi tăng vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm, cho thấy người tiêu dùng vẫn sẵn lòng chi tiền cho các món đồ giá cao. Doanh số bán lẻ nói chung cũng đi lên và sản lượng nhà máy cũng vậy.
Còn về lạm phát, giá dịch vụ trừ đi chi phí năng lượng và nhà ở đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 9 tháng vào tháng 4. Do Fed đặc biệt lo ngại về áp lực giá trong lĩnh vực dịch vụ, sự giảm tốc này có thể hạn chế khả năng các quan chức tung ra các đợt tăng lãi suất bổ sung.
Ông David Mericle, nhà kinh tế cấp cao tại Goldman Sachs, là một trong số các chuyên gia ít ỏi trên Phố Wall kiên định với dự báo rằng Mỹ sẽ không suy thoái. Ông cho biết đôi khi ông cảm thấy lạc lõng giữa đám đông nhưng sự kiên trì này đã bắt đầu cho thấy thành quả.
Ông Mericle nói: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng và phát hiện ra rất nhiều điều không dễ nhận thấy trước khi đi đến quan điểm đó. Chúng tôi theo phe lạc quan trong cuộc tranh luận suy thoái có đến hay không, và xét trên một số khía cạnh, tình hình đã tiến triển theo hướng còn tốt đẹp hơn cả những gì tôi mong đợi”.
Lùi dự báo
Đại đa số các chuyên gia dự báo vẫn cho rằng khả năng xảy ra suy thoái là rất cao. Nhưng dữ liệu tích cực gần đây đang khiến một số người suy nghĩ lại về thời điểm.
Tuần trước, các nhà kinh tế của Wells Fargo nói rằng họ dự kiến suy thoái sẽ bắt đầu từ quý IV năm nay, thay vì quý III. Ông Jean-François Perraul, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Scotiabank, nói rằng nhóm của ông dự đoán nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái ngay trong quý hiện tại, nhưng trong báo cáo tiếp theo họ “có thể sẽ lùi thời điểm” sang quý III.
Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Nationwide, nhận thấy suy thoái sẽ bắt đầu trong quý III, nhưng lưu ý rằng sự bền bỉ của thị trường lao động có thể đẩy lùi thời điểm này đến cuối năm.
Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Santander US Capital Markets, cho biết: “Trong suốt một năm qua, dự báo chung của giới chuyên gia là ‘chỉ còn ba tháng nữa chúng ta sẽ gặp suy thoái’, nhưng cuộc hẹn này đã liên tục được hoãn lại. Một trong những lý do chính là chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng”.
Nhưng ông Stanley và bà Sara House, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, cũng cảnh báo về mặt trái của chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, đó là giữ cho lạm phát quá cao so với ý muốn của Fed. Bà House chỉ ra: “Rốt cuộc, nhu cầu cần phải giảm xuống để đưa lạm phát quay về tầm kiểm soát, và do đó suy thoái vẫn có vẻ là điều không thể tránh khỏi”.