|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ca sĩ Rihanna, vợ cũ tỷ phú Bill Gates,... và những cái tên nổi bật mới trở thành tỷ phú trong năm qua

07:26 | 19/04/2022
Chia sẻ
Năm qua đã chứng kiến nhiều người rớt khỏi danh sách tỷ phú toàn cầu của Forbes, song cũng chứng kiến hàng loạt cái tên nổi bật khác mới xuất hiện.

Năm 2022 đã chứng kiến danh sách tỷ phú thế giới có ít hơn 87 người so với năm 2021. Tuy nhiên, giữa một năm với nhiều biến động, từ đại dịch COVID-19 cho tới xung đột Nga – Ukraine, thế giới vẫn chứng kiến 236 người mới gia nhập danh sách tỷ phú của Forbes.

Trung Quốc dẫn đầu

Những người mới đến này đến từ 34 quốc gia khác nhau. Bất chấp việc thắt chặt nhiều ngành kinh doanh, Trung Quốc là nơi chứng kiến nhiều tỷ phú mới gia nhập danh sách nhất trong năm 2022 với 62 người (trong đó có hai người tới từ Hong Kong).

Một số cái tên nổi bật bao gồm Chris Xu, (5,4 tỷ USD), người sáng lập bí ẩn của Shein, trang thời trang nhanh cho Gen Z và giáo sư kỹ Tang Xiao’ou (5,7 tỷ USD), người sở hữu công ty A.I. SenseTime. Ngoài ra, trong danh sách còn có tỷ phú tự thân giàu nhất đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Zhang Congyuan 74 tuổi (11,7 tỷ USD), người sáng lập nhà sản xuất giày Huali Industrial, công ty sản xuất giày dép cho hàng chục thương hiệu, bao gồm Nike, Puma, UGG và Vans.

Mỹ là quốc gia có nhiều tỷ phú mới thứ hai thế giới với 50 người. Một số cái tên nổi bật trong danh sách năm nay có thể kể đến Gary Wang (5,9 tỷ USD), người đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX có trụ sở tại Bahamas hay Scott Shleifer 44 tuổi ( 5 tỷ USD), người đồng sáng lập quỹ đầu cơ Tiger Global Management, nhánh vốn tư nhân của Tiger Global Management.

Ấn Độ lọt vào top ba với 29 tỷ phú mới, bao gồm giám đốc quỹ đầu cơ Karthik Sarma (3,1 tỷ USD), người sở hữu công ty nắm giữ tới 43% cổ phần trong Avis Budget Group và tỷ phú dược phẩm Subba Rao Jasti (1,1 tỷ USD), người già nhất gia nhập danh sách tỷ phú năm nay khi đã 95 tuổi.

Người phụ nữ tự thân giàu nhất Ấn Độ, Falguni Nayar (4,5 tỷ USD), đã rời ngân hàng đầu tư cách đây một thập kỷ để thành lập nhà bán lẻ thời trang và làm đẹp Nykaa, chính thức ra mắt vào tháng 11. Bà cũng là một trong những cái tên mới của năm nay.

Phụ nữ chiếm thiểu số

Chỉ có 33 người trong số 236 người mới lọt vào danh sách tỷ phú năm nay là phụ nữ, trong đó có 11 người là tỷ phú tự thân.

Renata Kellnerova được thừa kế khối tài sản ước tính trị giá 16,6 tỷ USD cùng 4 người con sau khi chồng bà là Petr Kellner, một nhà đầu tư và là người giàu nhất Czechia, qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng vào tháng 3/2021. Bà chính là tỷ phú mới có giá trị tài sản ròng lớn nhất năm nay.

Một số phụ nữ khác nổi bật trong danh sách tỷ phú mới năm nay gồm Edythe Broad (6,9 tỷ USD), vợ của ông trùm bảo hiểm và xây dựng quá cố Eli Broad, và Melinda French Gates (6,2 tỷ USD), vợ cũ của tỷ phú Bill Gates.

Ca sĩ Rihanna (trái) và vợ cũ tỷ phú Bill Gates (phải) là những cái tên mới trở thành tỷ phú trong năm qua. (Ảnh: NBC News).

Xét trên khía cạnh nữ tỷ phú tự thân, không ai giàu hơn Melanie Perkins, đồng sáng lập kiêm CEO của ứng dụng thiết kế đồ họa Canva, được các nhà đầu tư định giá 40 tỷ USD vào tháng 9/2021. Perkins và người đồng sáng lập 36 tuổi Cliff Obrecht (mỗi người 6,5 tỷ USD) đã cam kết tặng 30% cổ phiếu Canva mà họ đang nắm giữ cho Canva Foundation để sử dụng cho các hoạt động từ thiện.

Những phụ nữ tự thân khác trở thành tỷ phú trong năm nay bao gồm Miranda Qu (1,8 tỷ USD), đồng sáng lập kiêm chủ tịch của trang thương mại điện tử và truyền thông xã hội có trụ sở tại Thượng Hải, hay ngôi sao nhạc pop Rihanna (1,7 USD) Billion), người có cổ phần trong dòng mỹ phẩm Fenty Beauty và kinh doanh đồ lót Savage X Fenty.

Đáng chú ý, Rihanna không phải là cái tên lớn duy nhất của làng giải trí lần đầu tiên tham gia danh sách năm nay. Đạo diễn nổi tiếng Peter Jackson (1,5 tỷ USD) của bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã trở thành tỷ phú vào tháng 11, khi ông bán cổ phần trong cửa hàng hiệu ứng phim kỹ thuật số Weta cho Unity Software với giá khoảng 975 triệu USD.

Bên cạnh đó, mặc dù Leonid Radvinsky (1,2 tỷ USD) có thể không nổi tiếng bằng hai người kể trên, nhưng có lẽ đã quen thuộc với cộng đồng OnlyFans. Chính nơi này đã giúp Leonid Radvinsky trở thành tỷ phú mới.

Lĩnh vực tài chính vẫn là điểm nhấn

Ngay cả khi thị trường toàn cầu gặp khó khăn, lĩnh vực tài chính và đầu tư đã sản sinh ra nhiều tỷ phú mới (45 người) hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong năm nay. Họ bao gồm các nhà đầu tư truyền thống như Josh Kushner 36 tuổi (2 tỷ USD), người sở hữu công ty VC Thrive Capital được nhà đầu tư Goldman Sachs định giá 3,6 tỷ USD vào tháng 5/2021 và Ramzi Musallam (4 tỷ USD), người đã phát triển CTCP Tư nhân Veritas Capital vào năm 2012, khi người sáng lập Robert McKeon qua đời.

Những người mới đến từ lĩnh vực tài chính cũng bao gồm các nhà sáng lập fintech, trong đó có hai tỷ phú mới trẻ nhất trong danh sách: Pedro Franceschi và Henrique Dubugras (mỗi người 1,5 tỷ USD), những người đồng sáng lập startup thẻ tín dụng Brex của Brazail, được các nhà đầu tư định giá 12,3 tỷ USD vào tháng Giêng.

Brex không phải là startup duy nhất có những người sáng lập trở thành tỷ phú trong năm nay. Trên toàn thế giới, có khoảng 30 startup đã tăng vọt mức định giá 10 tỷ USD vào năm ngoái, gấp đôi con số trong năm 2020. Trong đó phần lớn là các startup công nghệ, giúp lĩnh vực công nghệ thêm 38 người mới vào danh sách năm nay, bao gồm Alex Shevchenko và Max Lytvyn (mỗi người 4 tỷ USD), những nhà đồng sáng lập công cụ kiểm tra ngữ pháp Grammarly, được các nhà đầu tư định giá 13 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Các nhà đồng sáng lập của OpenSea trên thị trường NFT, Devin Finzer và Alex Atallah (mỗi người 2,2 tỷ USD), đã trở thành tỷ phú khi doanh nghiệp được định giá 13,3 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng Giêng. Một tháng sau, Nikil Viswanathan và Joe Lau (mỗi người 2,4 tỷ USD), đã gọi vốn thành công cho công ty của họ là Alchemy, có phần mềm cung cấp năng lượng cho hàng nghìn công ty máy tính dựa trên blockchain, qua đó định giá công ty ở mức 10,2 tỷ USD.

 

Lĩnh vực sản xuất cũng sản sinh ra 36 tỷ phú mới trong năm nay, bao gồm Susan Carol Holland (3,8 tỷ USD), người điều hành Amplifon có trụ sở tại Milan, nhà bán lẻ máy trợ thính lớn nhất thế giới. Một người Italy khác là ông Giuseppe Crippa, (3,2 tỷ USD), cũng góp mặt trong danh sách năm nay, lần đầu sau ba thập thành lập Technoprobe trong ga ra và gác mái tại nhà mình. 

Quốc Anh