|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao hiếm thấy tỷ phú Mỹ giàu lên nhờ bất động sản?

15:40 | 08/04/2022
Chia sẻ
Hầu hết các tỷ phú giàu nhất thế giới tại Mỹ và nhiều nước phương Tây nói riêng đều giàu lên từ các lĩnh vực công nghệ, sản xuất... hiếm thấy người nào giàu có nhờ kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

 Các tỷ phú Mỹ: Jeff Bezos, Bill Gates, Elon Musk từ trái qua phải.

Mới đây, Forbes vừa công bố bảng xếp hạng tỷ phú lần thứ 36. Mỹ vẫn là đất nước sở hữu nhiều tỷ phú nhất với 9/10 người lọt vào top người giàu nhất thế giới. Ông Ma Huateng, Chủ tịch tập đoàn Internet Tencent Holdings, là người Trung Quốc duy nhất có mặt trong danh sách 10 tỷ phú công nghệ được Forbes công bố.

Hầu hết các tỷ phú giàu nhất thế giới tại Mỹ và nhiều nước phương Tây nói riêng đều giàu lên từ các lĩnh vực công nghệ, sản xuất... hiếm thấy người nào giàu có nhờ kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đa phần các tỷ phú bất động sản đều đến từ châu Á. Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới hiện là ông Lý Gia Thành, với khối tài sản ròng trị giá 31 tỷ USD. Ông Lý Gia Thành đã rời chiếc ghế chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings từ tháng 5/2018 và hiện đóng vai trò cố vấn.

Theo Bloomberg Billionaires Index, 6/10 tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới đều đến từ Trung Quốc hoặc Hong Kong (Trung Quốc), nơi có giá nhà đất đắt đỏ bậc nhất thế giới. 

Cũng trong danh sách của Forbes vừa công bố, Việt Nam đã sở hữu thêm một tỷ phú USD mới là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Nova Group. Như vậy, Việt Nam hiện có tổng cộng 7 tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Forbes, bao gồm ông Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Thành Nhơn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương. Hầu hết các tỷ phú USD tại Việt Nam đều có bất động sản trong danh mục đầu tư kinh doanh của mình.

Tại sao tỷ phú Mỹ ít làm giàu từ bất động sản?

Trong suốt thập kỷ qua, bất động sản đã được xếp hạng là lựa chọn đầu tư hàng đầu của đa số người Mỹ với tỷ lệ 35%, theo khảo sát hàng năm của Gallup. Dù vượt lên trên cả chứng khoán và quỹ tương hỗ (21%), tiền gửi tiết kiệm (17%), vàng (16%) và trái phiếu (8%), trở thành lĩnh vực đầu tư được yêu thích nhất của người Mỹ nhưng có thể thấy, hiếm tỷ phú Mỹ nào làm giàu từ bất động sản. Thậm chí người giàu nhất thế giới Elon Musk còn chẳng sở hữu ngôi nhà nào. Vậy lý do vì đâu lại có hiện tượng này?

Đầu tiên, phải nói đến thuế. Thuế tài sản là loại thuế được thu theo tài sản thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân. Thuế tài sản thường sử dụng trong việc định giá bất động sản, có thể được coi là một loại thuế lũy thoái. 

Tại Mỹ, thuế tài sản hay thuế đất được đánh ở mức cao, trung bình từ 0,5-2%/năm, tùy thuộc vào từng bang. Ở bang Hawaii, mức thuế đất trung bình là 0,3%, thấp nhất trong 50 tiểu bang của nước Mỹ trong khi đó cao nhất là New Jersey với 2,21%, đứng thứ hai là Illinois với 2,05%. 

Chính quyền bang thường đánh vào thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn thuế đất nhưng các chính quyền địa phương lại xem thuế bất động sản như là nguồn thu chính để họ có thêm tiền đầu tư vào nâng cấp, tu bổ cơ sở hạ tầng hoạt động của địa phương. Theo báo cáo của Viện Urban, các chính quyền địa phương đã thu được 559 tỷ USD tiền thuế bất động sản vào năm 2019, tương đương 30% nguồn thu chung của địa phương.

Như đã nói, ở mỗi tiểu bang, địa phương sẽ đánh thuế theo một cách khác nhau. Và thu thuế đất từ lâu được xem là nguồn thu lớn của các địa phương. Mỗi căn nhà ở Mỹ không chỉ chịu một loại thuế nhất định.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn đánh thuế vốn lũy tiến theo năm nếu để tiền hay tài sản "nằm im". Trong trường hợp, tình trạng đó kéo dài nhiều năm thì mức thuế áp lên sẽ càng cao và về lâu dài thì khoản tiền hay tài sản đó sẽ không còn giá trị nữa, thậm chí có thể khiến chủ sở hữu vướng vào tội danh trốn thuế.

Nếu không đóng thuế, chủ sở hữu sẽ bị phạt; nếu không đóng phạt thì chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ giao dịch để khấu trừ khi bán nhà. Nếu bất động sản đó chưa bán thì chính quyền sẽ tịch thu để bán đấu giá, thường là bằng đúng số tiền thuế mà nhà nước cần thu. 

Ở Mỹ, hiện tượng nhà 1 USD được rao bán không hề thiếu. Đây là những căn nhà mà chủ sở hữu nợ thuế và không chỉ trả, dẫn tới việc bị chính quyền tịch thu để rao bán. 

Điều này không giống ở Việt Nam, người ta mua đất nhưng không sử dụng, chờ lên giá rồi bán trong khi ở Mỹ, nếu tài sản đó không được sử dụng thì sẽ bị đánh thuế. Như vậy, khái niệm phân lô bán nền quá xa vời với giới đầu tư ở Mỹ và không đáng để rót tiền.

Theo Investopedia, ở hầu hết các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế bất động sản chiếm tỷ trọng thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên ở Mỹ, việc đánh thuế bất động sản nặng được xem là giải pháp giữ cho thị trường bất động sản ổn định và phát triển.

Doanh Chính