|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cá nhân trong nước tiếp tục rót tiền vào nhóm bất động sản, tâm điểm FLC

08:46 | 24/06/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường đảo chiều giảm điểm 23/6, NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng gần 350 tỷ đồng. Dòng tiền phân hóa với tâm điểm giao dịch duy trì ở nhóm bất động sản.

VN-Index chùn chân trên vùng đỉnh

Sau phiên tạo đỉnh hôm 22/6, thị trường mở cửa phiên 23/6 sôi động với sự bùng nổ của nhóm chứng khoán. VN-Index có thời điểm tăng 9 điểm trong phiên sáng. Tuy vậy, áp lực chốt lời gia tăng tại vùng đỉnh khiến thị trường quay đầu giảm mạnh.

Kết phiên hôm qua, VN-Index mất 3,1 điểm, giảm 0,22% xuống 1.376,87 điểm. HNX-Index giảm 0,41% xuống còn 315,8 điểm, UPCoM-Index giảm 0,07%, đóng cửa tại 90,04 điểm. Sắc đỏ chiếm thế chủ đạo trên sàn HOSE với 301 mã giảm điểm và 101 mã tăng.

Thanh khoản toàn sàn giảm đáng kể so với phiên hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 944 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 26.052,65 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh tính riêng trên sàn HOSE đạt 19.074,45 tỷ đồng, giảm gần 14% so với phiên trước.

Không phải ngân hàng, bất động sản là nhóm hút dòng tiền phiên Vn-Index giảm điểm - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. (Nguồn: FiinPro).

Theo dõi giao dịch theo từng nhóm nhà đầu tư, các cá nhân trong nước và NĐT khối ngoại duy trì mua ròng. Khối ngoại ghi nhận giá trị mua ròng khớp lệnh 97,5 tỷ đồng. NĐT cá nhân vào ròng 342,9 tỷ đồng, tăng lên 160,5% so với phiên lập đỉnh.

Trong khi đó, các tổ chức trong nước chuyển bán ròng cùng nhóm tự doanh. Giá trị bán ròng ghi nhận qua kênh khớp lệnh tại 2 nhóm lần lượt là 281,9 tỷ đồng và 158,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng là động lực chính gồng đỡ chỉ số. Sắc xanh bao phủ nhóm này với 19/27 mã tăng giá. Trong đó VCB (tăng 1,95%), VPB (4,55%) và CTG (1,54%) là tâm điểm thu hút dòng tiền. Chỉ riêng bộ ba này đã "gỡ" lại 4,8 điểm cho VN-Index.

Tiếp tục xu hướng trong hai tuần qua, dòng tiền tập trung vào nhóm bất động sản. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm này tiếp tục tăng 1,77% so với trung bình tháng trước. Tuy vậy, chỉ số giá ngành giảm 0,74% trong ngày hôm nay.

Không phải ngân hàng, bất động sản là nhóm hút dòng tiền phiên Vn-Index giảm điểm - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Bất động sản tiếp tục là tâm điểm, ngân hàng mất đi sức hút

Trong phiên 23/6, các cá nhân trong nước mua ròng 10/18 ngành. Không nằm ngoài xu hướng thị trường, họ tiếp tục tập trung dòng tiền mua vào cổ phiếu bất động sản.

Giá trị vào ròng tại nhóm này là 212,5 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng sức mua ròng của các cá nhân. Theo thống kê, đây là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị mua bán ròng ba chữ số.

Danh mục mua ròng của NĐT cá nhân lần lượt là FLC, VPB, VRE, TCB, SSI, VCI, HPG, VNM, DHC, AAA.

Ngược lại, họ bán ròng 8/18 ngành. Lực bán phân tán với giá trị vừa và nhỏ tại một số nhóm như điện, nước & xăng dầu khí đốt, dầu khí. Dẫn đầu chiều bán ròng là VHM, VCB, DXG, MBB, GAS, STB, PLX, GMD, PVT, NLG.

Không phải ngân hàng, bất động sản là nhóm hút dòng tiền phiên Vn-Index giảm điểm - Ảnh 3.

Top cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Tâm điểm mua ròng: FLC đứng đầu danh mục

Theo ghi nhận, dòng tiền vào cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC áp đảo những mã còn lại trong danh mục. Giá trị mua ròng khớp lệnh mã này đạt 299,4 tỷ đồng, tăng 115,5% so với phiên 22/6. Đại diện nhóm bất động sản này đứng đầu danh mục mua ròng của NĐT cá nhân trong hai phiên liên tiếp. Tuy vậy, lực mua bắt đáy không đủ để kéo giá cổ phiếu. Đóng cửa, FLC điều chỉnh giảm 5,84%, về mốc 13.700 đồng/cp.

Một gương mặt khác thu hút sức mua của nhóm bất động sản là VRE (Vincom Retail). Với 40,8 tỷ đồng, cổ phiếu này đứng thứ ba về giá trị mua ròng khớp lệnh trong phiên.

VPB (56,7 tỷ đồng) và TCB (33 tỷ đồng) là hai đại diện ngành ngân hàng góp mặt trong top mua ròng phiên qua. Giá trị mua ròng khá khiêm tốn do hai cổ phiếu này đều đã ở vùng giá khá cao kể từ đầu năm.

HPG của Hòa Phát cũng được mua ròng 28,5 tỷ đồng trở lại sau phiên chốt lời mạnh hôm qua (22/6). Tuy vậy, áp lực bán lớn hơn khiến giá đóng cửa HPG giảm nhẹ 0,58%, về mức 51.400 đồng/cp.

Sức mua ròng được phân bổ đều ở những cái tên như SSI (31,8 tỷ đồng), VCI (28,6 tỷ đồng), VNM (22,7 tỷ đồng), DHC (20,6 tỷ đồng) và AAA (19,9 tỷ đồng).

Dòng tiền của NĐT cá nhân có sự phân hóa khá mạnh. Cũng là đại diện nhóm bất động sản, VHM (Vinhomes) lại đứng đầu danh mục bán ròng của các cá nhân. Giá trị rút ròng tại cổ phiếu này đạt 98 tỷ đồng, áp sát mốc 100 tỷ đồng. DXG cũng chịu chung áp lực bán với giá trị rút ròng 33 tỷ đồng.

Cùng nằm trong top dẫn dắt thị trường với VPB, nhưng VCB (Vietcombank) lại nằm ở chiều bán ròng với 45,2 tỷ đồng bán ròng khớp lệnh. MBB và STB của nhóm ngân hàng theo sau khi bị rút ròng 27,4 tỷ đồng và 19,2 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu khác bị bán ròng trong phiên là GAS (25,1 tỷ đồng), PLX (16,3 tỷ đồng), GMD (16,1 tỷ đồng), PVT (15,2 tỷ đồng), NLG (13,8 tỷ đồng).

Thảo Bùi