Cá nhân trong nước bỏ trăm tỷ đồng mua vào DGC, KBC phiên tăng trần giảm sàn
Thị trường hồi phục phiên thứ hai liên tiếp, giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm
Thị trường hồi phục phiên thứ hai liên tiếp với xu hướng giằng co quanh ngưỡng 1350 điểm. Mặc dù vẫn giữ được đà tăng, độ rộng thị trường bị thu hẹp với 143 cổ phiếu tăng điểm, 253 mã giảm, đặc biệt ở nhóm smallcaps có tới 126 mã giảm với 12 mã giảm sàn.
Đóng cửa, VN-Index tăng 2,08 điểm (0,15%) lên 1.352,76 điểm, trong đó VN30-Index tăng hơn 5 điểm (0,34%) lên 1.458,23 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE tăng lên mức 21.771 tỷ đồng từ mức 17.290 tỷ đồng ở phiên trước đó. Giá trị giao dịch toàn thị trường cũng được cải thiện đạt 29.317 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản tăng trở lại, cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tại ngưỡng tâm lý 1.350 điểm. Trong đó, khối ngoại gia tăng hoạt động bán ròng tại cả hai sàn HOSE và HNX.
Tính riêng giao dịch tại HOSE, nhóm này rút ròng 373 tỷ đồng qua hình thức khớp lệnh trong phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng rút ròng hơn 175 tỷ đồng.
Đối ứng với lực xả, các cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 576 tỷ đồng, trong đó mua qua khớp lệnh 507 tỷ đồng và giảm hơn 60 tỷ đồng so với phiên trước. Đồng thuận với cá nhân, khối tự doanh cũng chuyển mua gom nhẹ gần 41 tỷ đồng.
Dòng tiền bất ngờ gia tăng ở nhóm hóa chất, tài nguyên cơ bản
Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, giao dịch mua ròng tiếp tục chiếm ưu thế khi được ghi nhận tại 14/18 ngành.
Mặc dù vẫn nằm trong danh mục mua ròng lớn nhất, nhóm bất động sản có phần "hạ nhiệt" so với phiên trước khi chỉ còn được rót ròng hơn 112 tỷ đồng, giảm hơn 50% về giá trị. Mặc dù tỷ trọng giao dịch ở nhóm này giảm, các cổ phiếu đầu ngành như VHM, VIC, KBC vẫn ghi nhận giao dịch tích cực trong phiên.
Thay vào đó, hóa chất và tài nguyên cơ bản là hai nhóm ngành được nhà đầu tư cá nhân gia tăng mua gom trong phiên 23/9. Giá trị vào ròng tại hai nhóm này là 167 tỷ và 115 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,7 và 2,2 lần so với phiên liền trước.
Đáng chú ý, cổ phiếu hóa chất chịu áp lực điều chỉnh lớn trong phiên do áp lực chốt lãi áp đảo sau giai đoạn tăng giá mạnh vừa qua. Hóa chất là nhóm ngành hưởng lợi từ sự đứt gãy cung cầu trong mùa dịch giúp giá trị xuất khẩu ngành tăng mạnh.
Tại chiều bán, nhóm ngân hàng bất ngờ bị bán ròng 42,3 tỷ đồng ngay sau một phiên thu hút dòng tiền. Diễn biến cổ phiếu ngành này tiếp tục phân hóa với 15 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 19 mã giảm điểm. Nhóm nãy đã đi ngang trong thời gian qua sau khi tăng mạnh vào tháng 5.
Nối tiếp, áp lực bán ròng tập trung ở các nhóm bán lẻ (34,2 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (10,6 tỷ đồng) và truyền thông (0,1 tỷ đồng).
Tâm điểm mua ròng: DGC, KBC
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dẫn đầu tại chiều mua với quy mô giải ngân 83,7 tỷ đồng, gấp 2,4 lần phiên liền trước. Theo sau, CSV của Hóa chất Cơ bản Miền Nam cũng được mua ròng 54,6 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời từ khối ngoại khiến DGC, CSV đồng thời giảm sàn. Tuy nhiên, việc giảm giá này mang tính chốt lời sau khi những mã này đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Cổ phiếu DGC đã tăng 30% trong 1 tuần vừa qua, lũy kế tăng 277% từ đầu năm. CSV cũng tăng 78% chỉ sau một tháng, và có thêm 148% giá trị từ đầu năm.
Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng là tâm điểm mua ròng với 81,6 tỷ đồng. Trong phiên, KBC có lúc tăng trần trước khi hạ nhiệt tăng 3,7% về cuối phiên.
Giao dịch tích cực tại KBC đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc ký kết của KBC với Quantum. Quantum cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực trọng điểm như đầu tư hạ tầng, BĐS công nghiệp, nhà máy điện, logistics, năng lượng tái tạo... với tổng giá trị 20 - 30 tỷ USD.
Cùng chiều, giao dịch tích cực cũng xuất hiện tại nhiều mã bluechips như NVL, HPG, MSN, VIC...
Chiều ngược lại, MBB của MB Bank vẫn là cổ phiếu bị rút ròng nhiều nhất với 60,5 tỷ đồng. Nối tiếp, CTG của Vietinbank cũng bị bán ròng hơn 58 tỷ đồng.
Mặc dù mua ròng VIC, các cá nhân lại bán ròng bộ đôi VHM (45 tỷ đồng) và VRE (15,6 tỷ đồng). Áp lực bán ròng dưới 50 tỷ đồng cũng xuất hiện tại một số mã như MWG, VND, KDH, GMD, DXS...