|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hoạt động mua lại cổ phiếu trên toàn cầu tăng mạnh

16:30 | 11/02/2024
Chia sẻ
Sau khi công bố doanh thu quý IV/2023 cao hơn dự kiến, các công ty hàng đầu ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã đưa ra hàng loạt thông báo mua lại cổ phiếu công ty.

Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Điều này tạo sự hứng khởi cho các thị trường, thúc đẩy giá cổ phiếu toàn cầu tăng mạnh mẽ.

Trong năm 2023, do đối mặt với chi phí đi vay cao nhất trong nhiều thập kỷ, các tập đoàn đã thu hẹp đáng kể kế hoạch mua lại cổ phiếu công ty. Nhưng với tình hình hoạt động thực tế tốt hơn dự báo, đi kèm triển vọng kinh tế toàn cầu nhiều tín hiệu khả quan, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, chi phí đi vay giảm sẽ giúp các công ty có thêm tiền mặt và dư địa để vay nợ, nhằm tăng giá cổ phiếu. Điều này sẽ dẫn đến hoạt động mua lại cổ phiếu dự báo đảo chiều tăng mạnh.

Chỉ trong bảy ngày đầu tháng 2/2024, các công ty Mỹ đã công bố kế hoạch mua lại tổng số cổ phiếu trị giá 105 tỷ USD, vượt qua con số thống kê trong cả tháng 1/2024. Dữ liệu của công ty nghiên cứu Birinyi Associates cho thấy đây là khởi đầu tháng Hai mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với các hoạt động mua lại cổ phiếu được công bố và là khởi đầu tốt thứ hai cho năm 2024, sau một năm 2023 nhiều ấn tượng. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc vì sao chỉ số S&P 500 đã vượt ngưỡng 5.000 điểm trong liên tiếp hai ngày 7 và 8/2, ghi nhận 9 lần phá kỷ lục từ đầu năm đến nay.

Theo dữ liệu sơ bộ từ S&P Dow Jones Indices, các công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 dự kiến sẽ mua lại 885 tỷ USD cổ phiếu trong năm nay, tăng 10% so với năm 2023, nhưng giảm 4% so với tốc độ lập kỷ lục vào năm 2022.

Dữ liệu của Birinyi chỉ ra rằng công ty công nghệ Meta, vào tuần trước, đã công bố kế hoạch mua lại thêm 50 tỷ USD cổ phiếu, đánh dấu một trong những thương vụ ủy quyền lớn nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ. Tiếp theo là Carlyle Group, ngày 7/2, đã tuyên bố kế hoạch mua lại số cổ phiếu trị giá lên tới 1,4 tỷ USD và Alibaba Group của Trung Quốc thông báo đang thúc đẩy chương trình mua lại 25 tỷ USD cổ phiếu của công ty.

Howard Silverblatt, nhà phân tích chỉ số cao cấp tại S&P Dow Jones Indices, cho biết mặc dù hoạt động mua lại có thể giúp giá trị cổ phiếu tăng trưởng nhưng tác động của chúng có thể giảm đi phần nào vì việc định giá cố phiếu quá cao đồng nghĩa với việc các công ty có xu hướng mua ít cổ phiếu hơn.

Tại châu Âu, các thông báo mua lại cổ phiếu cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng - lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho các cổ đông trong năm ngoái. Với việc các ngân hàng tiếp tục thu được lợi ích từ chi phí đi vay cao hơn, các chương trình mua lại cổ phiếu tại ngân hàng Unicredit SpA, Intesa Sanpaolo SpA, Deutsche Bank AG và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA đang đẩy cổ phiếu ngành tài chính lên cao hơn.

Marshall Front, Giám đốc đầu tư của Front Barnett Associates, cho biết tất cả những điều đó là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường toàn cầu, vì một loạt các chương trình mua lại cổ phần theo kế hoạch cho thấy niềm tin của các giám đốc điều hành công ty.

Ông Front chia sẻ: “Điều đó có nghĩa là các công ty không dự báo một cuộc suy thoái kinh tế lớn có thể xảy ra trong năm 2024”

Diệu Linh (Theo Bloomberg)

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.