|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có lãi thuần từ chứng khoán đầu tư lớn nhất năm 2023

16:00 | 10/02/2024
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ chứng khoán đầu tư vượt trội, hỗ trợ mạnh cho lợi nhuận trong bối cảnh một số mảng kinh doanh khác tăng trưởng chậm lại.

 

 

 Đồ họa: Alex Chu

Theo thống kê từ báo cáo tài chính chưa kiểm toán của 27 ngân hàng, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư đạt 11.725 tỷ đồng, tăng 125,6% so với năm 2022.

Trong đó, BIDV là ngân hàng lãi lớn nhất từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư, thu về 2.872 tỷ đồng, gấp 11 lần (tăng 1.009%) so với năm trước. Riêng quý IV, ngân hàng thu về 3.138 tỷ đồng từ hoạt động này, gấp hơn 22 lần cùng kỳ.

Theo sau đó là ACB, với 2.647 tỷ đồng lợi nhuân từ kinh doanh chứng khoán đầu tư, gấp 126 lần năm trước. HDBank xếp vị trí thứ 3, với khoản lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh đạt 1.167 tỷ đồng, tăng 273%.

Những vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt thuộc về Techcombank, TPBank, OCB, MSB, VietABank, Bac A Bank và MB. Trong đó MB ghi nhận lãi thuần giảm 77,2%, xuống 300 tỷ đồng. Năm ngoái, MB từng là quán quân lãi thuần trong mảng kinh doanh này.

Về tốc độ tăng trưởng, có 8 nhà băng ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán tăng từ ba con số trở lên, 4 ngân hàng thoát lỗ. Tuy nhiên, cũng có 13 ngân hàng báo lãi thuần giảm, hoặc tiếp tục lỗ trong năm 2023.

Cần lưu ý rằng lãi từ chứng khoán đầu tư không phải là khoản lãi từ việc đầu tư cổ phiếu trên các sàn giao dịch. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu,... Nhưng trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất cụ thể ở đây là trái phiếu chính phủ.

Trong giai đoạn hai quý cuối năm 2022, khi lãi suất tăng nhanh kéo theo lợi suất trái phiếu đi lên, các ngân hàng đã chứng kiến lợi nhuận từ mua bán chứng khoán sụt giảm nhanh chóng và chịu lỗ trong quý IV. Trong khi đó, khi lãi suất và lợi suất giảm dần từ cuối quý I/2023, thu nhập từ mảng này ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia và các lãnh đạo ngân hàng, không có nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đảm bảo những nhiệm vụ như bình ổn lạm phát hay ổn định tỷ giá. Do đó, mức lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoán của các ngân hàng có thể sẽ khó duy trì trong những quý tiếp theo.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trong năm qua, hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ ở nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lợi nhuận khả quan khi lãi suất đảo chiều giảm. Tuy nhiên, do phần lớn lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu Chính phủ đã được thực hiện hóa và ghi nhận hết trong quý III, triển vọng trong thời gian tới sẽ không còn thuận lợi như trước. 

 

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.