‘Cá mập’ rục rịch gom máy đào tiền ảo
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng không áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo | |
Trung Quốc tiếp tục 'siết gọng kìm' quản lý tiền ảo |
Trong khi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an… đều thống nhất đề nghị tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo thì Bộ Công Thương lại có quan điểm trái ngược. Cụ thể, Bộ Công Thương mới đây đã có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị không áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo (máy xử lý dữ liệu tự động mã HS 8471.80.90).
Chưa nên cấm
Lý giải về đề xuất trên, Bộ Công Thương cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp quản lý trong nước đối với các loại tiền ảo cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo. Nếu áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu sẽ không đảm bảo được sự toàn diện, hiệu quả cũng như không đạt mục tiêu quản lý do sự đa dạng của các thiết bị đào tiền ảo, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ công nghệ hiện nay.
Trao đổi thêm với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, xác nhận: Bộ Công Thương đề xuất chưa nên cấm nhập khẩu máy đào tiền ảo. Lý do là hiện nay các sản phẩm này đều sử dụng mã HS.8471.80.90. Qua nghiên cứu nhận thấy mã hàng hóa này được sử dụng cho nhiều sản phẩm, trong đó có máy đào tiền ảo.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017 có hơn 27 triệu sản phẩm thuộc mã HS trên nhập khẩu vào Việt Nam. Chỉ tính riêng năm tháng đầu năm nay có 15 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, trong số này máy đào tiền ảo chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Do đó, việc chưa có được mã HS riêng cho sản phẩm máy đào tiền ảo là một khó khăn trong việc quyết định dừng nhập hay không.
“Nếu cấm nhập mặt hàng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp đang sử dụng mã sản phẩm trên. Bên cạnh đó, việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo chưa phải là biện pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng biến tướng của tiền ảo thời gian qua tại Việt Nam” - đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Tưởng chừng nhà đầu tư đào tiền ảo sẽ “chết” nhưng hy vọng lại được thắp lên trước thông tin Bộ Công Thương đề xuất không áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo. Trong vai người mua máy đào tiền ảo, chúng tôi được ông Vinh, một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh máy đào tiền ảo tại TP.HCM, cho biết: Hiện nay giá máy đào tiền ảo (còn gọi là trâu cày) rớt thảm chỉ còn 12-15 triệu đồng/máy tùy loại, trong khi trước đây có khi trên 100 triệu đồng mỗi máy. Tuy nhiên, thị trường máy đào ở tại TP.HCM và một số thành phố xuất hiện các “cá mập” (sharks) có tiềm lực tài chính lớn gom hàng với lượng lớn máy đào khi giá bán quá rẻ.
“Có lẽ các ông lớn do nắm thông tin sẽ mở cửa cho nhập lại máy đào trở lại và họ kỳ vọng giá máy lẫn giá tiền ảo tăng trưởng tích cực nên đổ tiền để gom máy đào” - ông Vinh bình luận.
Máy đào tiền ảo đã hiện diện ở Việt Nam với số lượng rất lớn. Riêng trong bốn tháng đầu năm 2018, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã lên con số hơn 6.300 bộ. Ảnh: QUANG HUY |
Trái chiều về cấm nhập máy đào
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng nên cấm nhập khẩu máy đào tiền ảo vì không mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước ta. Không chỉ vậy, hoạt động máy đào tiền ảo còn gây thiệt hại cho nền kinh tế khi tiêu thụ một lượng điện rất lớn. “Tiền ảo không tạo ra giá trị giao dịch thanh toán mà chỉ tạo ra yếu tố đầu cơ, tạo ra rủi ro đối với những người tham gia giao dịch, đầu tư tiền ảo” - TS Hiển nói.
Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng để tránh ảnh hưởng đến những doanh nghiệp kinh doanh liên quan thì chỉ nên cấm máy đào tiền ảo nguyên chiếc. Bên cạnh đó, đối với linh phụ kiện nhập khẩu nếu nhập với mục đích phục vụ cho hoạt động đào tiền ảo thì cũng không cho nhập và nếu vi phạm có chế tài xử phạt.
Thống kê của Cục Hải quan chỉ ra từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4-2018, cả nước đã nhập khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ. Trong đó, Hà Nội nhập 6.000 máy, TP.HCM nhập hơn 7.000 máy (trị giá gần 12,3 triệu USD, tương đương gần 279 tỉ đồng). |
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, lại cho rằng việc cấm máy đào tiền ảo nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp nhập khẩu các linh kiện máy tính có liên quan đến mã hàng hóa nhập khẩu với máy đào tiền ảo. Hơn nữa, việc cấm nhập máy đào không giải quyết được các vấn đề như tiền ảo đa cấp lừa đảo, không ngăn chặn được việc đào tiền ảo đang phát triển và càng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
“Việt Nam không thể và không nên ngăn chặn ở phần ngọn mà phải ngăn chặn ở phần gốc. Tức là Việt Nam phải có những quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo, máy đào tiền ảo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này… Còn máy đào chỉ là phần ngọn của vấn đề tiền ảo. Cấm nhập khẩu thì máy đào cũng có thể nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường như nhập lậu” - ông Hiếu nói.
Phân loại để có hướng xử lý phù hợp Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho hay: Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính phân loại mã HS cụ thể cho các sản phẩm muốn tạm ngừng nhập khẩu để trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý. “Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó có thể có những chế tài xử lý các hành vi như kinh doanh đầu tư các loại tiền ảo mà pháp luật chưa cho phép” - ông Hải cho biết. |