Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng không áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo
Cấm nhập máy đào tiền ảo có triệt hạ được các trò lừa đảo? | |
Máy đào tiền ảo bất ngờ ngừng nhập về TP.HCM |
Máy “đào” Bitcoin được gửi ở dịch vụ tại Q.Tân Bình, TP HCM (Ảnh: Ngọc Dương) |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, các Bộ, ngành được xin ý kiến đều cơ bản nhất trí đối với việc áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu đối với máy xử lý dữ liệu tự động dùng để đào tiền ảo. Tuy nhiên, có một số ý kiến khác về việc áp mã số HS hàng hoá về sự phong phú đa dạng trong hoạt động khai thác tiền ảo và quy định về quản lý trong nước.
Cụ thể, các loại máy đào tiền ảo được chia làm hai loại chính: Máy đào ASIC (Application-specific Integrated Cỉciut) là máy chuyên dụng chỉ được sản xuất để thực hiện chức năng đào tiền ảo và máy đào VGA (Video Graphics Array hay Card màn hình) là máy đào có các khối chức năng được lắp ráp như máy tính thường. Việc tạm dừng nhập khẩu máy ASIC là phù hợp và khả thi còn đối với máy VGA thì do không có mã HS cụ thể nên sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Mã số HS (Harmonized System Codes - Hệ thống hài hòa) là hệ thống được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hàng hóa được buôn bán trên phạm vi toàn thế giới của Tổ chức hải quan thế giới. |
Theo Bộ Công thương, phạm vi ảnh hưởng của biện pháp tạm ngừng nhập khẩu đối với nhóm hàng có mã số HS 8471.80.90 là rất rộng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017 đã nhập khẩu hơn 27,2 triệu sản phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã nhập khẩu hơn 15,1 triệu sản phẩm thuộc nhóm mã số này.
Do đó, việc áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu trong khi Bộ Tài Chính chưa xác định được cụ thể mã HS đối với các mặt hàng cần quản lý sẽ chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý Ngoại thương: "Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hoá của Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan".
Hơn nữa, các loại máy, thiết bị dùng để đào tiền ảo là những mặt hàng đa dụng, được sử dụng vào các hoạt động khác nhau tuỳ theo mục đích của người dùng. Vì vậy việc tạm ngừng nhập khẩu các loại máy, thiết bị này sẽ gây ra tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng các thiết bị này.
Hiện nay, có rất nhiều cách thức được sử dụng để đào tiền ảo. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hoạt động khai thác tiền ảo không chỉ thực hiện bằng các máy xử lý dữ liệu tự động mà còn diễn ra trên các thiết bị di động, nền tảng đám mây, đào bằng ổ cứng. Trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ sẽ ngày càng gia tăng độ phong phú về các loại máy đào tiền ảo cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.
Theo Bộ TT&TT, chỉ nên tạm ngừng nhập khẩu đối với máy đào ASIC và không nên thực hiện biện pháp hạn chế nhập đối với máy đào VGA vì chưa thể xác định cụ thể mã HS đối với hàng hoá này.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp quản lý trong nước đối với các loại tiền ảo cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu nếu được áp dụng cũng sẽ không đảm bảo được sự toàn diện, hiệu quả và sẽ không đạt được mục tiêu quản lý do sự đa dạng của các loại thiết bị đào tiền ảo.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu đối với mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động. Đồng thời giao Bộ Tài Chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, phân loại, áp mã số HS phù hợp đối với mặt hàng máy này để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
Cùng với đó, giao Bộ Tư Pháp phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an, NHNN và các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, quy định chế tài xử lý vi phạm đối với hoạt động liên quan đến đào, kinh doanh và đầu tư các loại tiền ảo cũng như các sản phẩm tương tự.