ByteDance chấm dứt văn hóa làm việc 'bóc lột' 996, chuyển sang 1075, nhân viên phải xin phép để được làm thêm giờ
Theo SCMP, văn hóa làm việc 996 khủng khiếp của ngành công nghệ Trung Quốc sắp sửa biến mất tại ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Đây là doanh nghiệp công nghệ đầu tiên tại Trung Quốc không khuyến khích nhân viên làm thêm giờ.
ByteDance đã yêu cầu 100.000 nhân viên chuyển sang lịch trình làm việc mới mang tên 1075, nghĩa là bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối và 5 ngày/tuần, thay vì 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần.
Đây được xem là động thái có khả năng thay đổi cuộc sống đối với nhiều người đã quen làm việc tới tận khuya và cuối tuần. Theo kế hoạch mới của ByteDance, các nhân viên hiện phải xin phép làm thêm giờ, giới hạn 3 giờ/ngày trong tuần và 8 giờ vào cuối tuần.
Theo quy định của luật lao động của đất nước, người lao động sẽ được trả gấp rưỡi mức lương bình thường của họ khi làm thêm giờ vào các ngày trong tuần và gấp đôi khi làm thêm giờ vào cuối tuần.
Quyết định của ByteDance được đưa ra vào thời điểm nhà chức trách Trung Quốc công khai chỉ trích các công ty công nghệ về lịch trình làm việc khắc nghiệt của họ, vốn được coi là một trong hai "tệ nạn" của việc bóc lột lao động.
Đầu năm nay, đối thủ của ByteDance là Kuaishou Technology cũng đã chấm dứt chính sách tuần lớn/tuần nhỏ, yêu cầu nhân viên làm việc sáu ngày/tuần, cách hai tuần thực hiện một lần.
Chính sách mới nhất của ByteDance nhanh chóng gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Một bài đăng trên Weibo đã thu về hơn 270 triệu lượt xem, trong khi đó trên Zhihu, người dùng internet đã hào hứng thảo luận về chủ đề này. Trong những năm gần đây, những lời phàn nàn về thời gian làm việc khắc nghiệp tại các công ty công nghệ liên tục xuất hiện trên mạng xã hội của quốc gia tỷ dân này.
Theo South China Morning Post, nhiều ý kiến đóng góp từ nhân viên tại các gã khổng lồ internet Trung Quốc như công ty Alibaba Group Holding, Tencent Holdings, Meituan và ByteDance.
Các nhân viên tại Alibaba, ByteDance... cho biết họ thường rời văn phòng vào khoảng 9 giờ tối. Khắc nghiệt hơn, với các công ty công nghệ đang nổi lên như Meituan, Pinduoduo có thể kéo dài đến 10 giờ tối hoặc muộn hơn, theo trang tin Sixthtone.
Vào năm 2019, một nhóm lập trình viên Trung Quốc đã dùng nền tảng lưu trữ mã Github để phản đối 996 thông qua chiến dịch 996.ICU, thu hút sự chú ý của cộng đồng công nghệ toàn cầu. Họ yêu cầu các công nghệ Trung Quốc, gồm công ty Youzan và JD.com chấm dứt bóc lột nhân viên bằng 996,
"Nếu bạn luôn tuân theo lịch trình làm việc 996 , bạn có nguy cơ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU)," chiến dịch 996.ICU viết giới thiệu cho những gì họ làm. Chiến dịch này nhanh chóng trở thành kho lưu trữ thịnh hành nhất trên GitHub khi nhiều nhân viên công nghệ đã tham gia đóng góp phàn nàn. Sự lan rộng của chiến dịch cũng đã khiến một số ông trùm công nghệ Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này.
Vào thời điểm đó, một số nhà lãnh đạo công nghệ đã lên tiếng bảo vệ văn hóa làm việc 996 này, có thể kể đến Jack Ma, người sáng lập Alibaba. Ông đã gọi 996 là "một may mắn lớn mà nhiều công ty và nhân viên không có cơ hội có được".
Mô hình làm việc 996 trong các công ty công nghệ được cho là di chứng của cơn sốt Internet 2 năm trước, biến cuộc sống của người lao động chỉ xoay quanh công việc. Ngày 29/12, nữ nhân viên tên Zhang, sinh năm 1998, làm việc tại công ty Pinduoduo, qua đời ở tuổi 22.
Cô làm việc liên tục nhiều giờ liền vào ban đêm và chết trên đường về nhà cùng đồng nghiệp lúc 1 giờ 30 phút sáng. Zhang là nạn nhân của văn hoá 996. 10 ngày sau, một kỹ sư họ Tan làm việc cho Pinduoduo nhảy lầu tự tử tại nhà riêng. Theo Global Times, cái chết của Tan có liên quan đến văn hóa làm việc "996".
Ngoài những ý kiến phản đối văn hóa làm việc khắc nghiệt này, họ cho rằng đây là một hình thức bóc lột lao động của các công ty công nghệ. Trong khi các ý kiến ủng hộ cho rằng đây là cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế đi lên.