Văn hóa làm việc '996' của người Trung Quốc kém hiệu quả, hại sức khỏe
Theo Reuters, tuần trước tỷ phú Jack Ma đưa ra một số nhận định về văn hóa làm việc “996”. Đây là cách người Trung Quốc gọi lịch làm việc 12 giờ/ngày (từ 9h sáng đến 9h tối), 6 ngày/tuần.
“Còn trẻ mà không làm theo lịch 996 thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, ông Jack Ma nói trong một cuộc họp nội bộ của Alibaba.
Theo giải thích của nhà sáng lập Alibaba, thời gian đó không chỉ là để làm việc mà còn là để phát triển bản thân.
“996 đích thực là dành thời gian để học hỏi, suy nghĩ và phát triển bản thân. Những người làm được theo lịch đó là đã tìm được đam mê của mình, và có nhiều thứ khiến họ hạnh phúc hơn là tiền bạc”, ông giải thích trên trang cá nhân.
Tỷ phú Jack Ma đã phải giải thích lại về quan điểm của ông đối với văn hóa làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đây là một "cơ hội lớn" đối với những nhân viên trẻ, những người muốn phát triển bản thân. Tuy nhiên, bài viết của Jack Ma đã bị nhiều người chỉ trích trong phần bình luận, cho rằng ông không nắm bắt được tinh thần của nhân viên.
“Lại một lần nữa nói về cống hiến nhưng không nhắc gì đến lương thưởng. Đây đúng là giọng của những người thích bóc lột”, một người bình luận phía dưới.
Theo WSJ, luật lao động Trung Quốc cấm các công ty bắt nhân viên phải làm việc hơn 40 giờ/tuần. Do đó, nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên ký hợp đồng với điều kiện lịch làm việc linh hoạt.
Tỷ phú Jack Ma cho rằng các nhân viên trẻ sẽ "thật may mắn" nếu được làm việc nhiều giờ, nhưng có lẽ người lao động không nghĩ thế. SCMP dẫn một số thống kê cho thấy tại Trung Quốc, người lao động trẻ có ít thời gian ở nhà sau khi đi làm do thời gian di chuyển lâu. Một hậu quả là họ không ngủ đủ giấc.
Các nhà khoa học xác định tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn tới một số bệnh ung thư, gây tăng cân và suy giảm trí nhớ. Những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ công dân trước nạn làm việc quá sức sau một số vụ thiệt mạng do làm việc quá giờ.
Jack Ma và một số CEO nổi tiếng khác như Elon Musk và Jeff Bezos ủng hộ làm việc trong nhiều giờ. Tuy nhiên, xu hướng trên toàn thế giới là rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày.
Không chỉ tại Alibaba, nhiều công ty công nghệ ở Trung Quốc cũng đang "khuyến khích" nhân viên làm việc theo văn hóa "996". Ảnh: Reuters. |
Năm 2017, Thụy Điển đã thử nghiệm cho công dân làm việc 30 giờ/tuần. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hạnh phúc hơn và ít căng thằng hơn. Một công ty tại New Zealand cũng cho biết nhân viên của họ sáng tạo hơn khi làm việc 4 ngày/tuần. |
Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc trong nhiều giờ liền. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra nhân viên tại những quốc gia có thời gian làm việc dài đang cho năng suất kém hơn.
"Chúng tôi dành các ngày cuối tuần trong văn phòng. Cơ thể của chúng tôi đã ở trong tình trạng quá tải trong một thời gian dài", một nhân viên viết cho Giám đốc cấp cao của Tencent Holdings.