|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nét văn hoá làm việc 'khác biệt' của người Trung Quốc

06:00 | 14/08/2019
Chia sẻ
Theo BBC, phong cách trao đổi và làm việc trong môi trường công sở Trung Quốc có thể khiến nhiều người đến từ những quốc gia khác phải bối rối.

Sau 3 tháng làm việc tại Trung Quốc, Jay Carlson gặp phải thử thách quản lí thực sự đầu tiên. Anh cần sa thải một nhân viên và nhanh chóng phát hiện ra rằng quá trình tuyển dụng và đuổi việc tại đây hoàn toàn không giống với những gì anh được học tại Mỹ.

Carlson được cử đến Thượng Hải, Trung Quốc để mở chuỗi cung ứng mới cho một công ty nội thất có trụ sở tại Mỹ. Vai trò của anh là điều hành văn phòng với khoảng 70 nhân sự.

Ban đầu, Carlson cho rằng sẽ điều hành văn phòng mới tương tự như một công ty phương Tây: xây dựng môi trường hợp tác, kích thích tư tưởng sáng tạo. 

Ngược lại, người quản lí Trung Quốc lớn tuổi đã làm việc với công ty nhiều năm lại có những ý tưởng khác. "Người này nhấn mạnh vào hệ thống cấp bậc truyền thống của Trung Quốc, nơi ông chủ luôn luôn đúng", Carlson nói.

Những tranh luận kéo dài về phương pháp phù hợp nhất khiến việc kinh doanh gặp trở ngại và đồng nghĩa với việc Carlson phải sa thải người quản lí địa phương. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp khi anh thông báo với người này nhưng ngày hôm sau, người đàn ông vẫn xuất hiện tại công ty.

"Ông ấy nói bản thân rất trung thành với công ty nên dù đã bị sa thải, ông ấy vẫn sẽ làm việc theo tháng cuối cùng như trong hợp đồng", Carlson giải thích. Bất chấp mọi lời can ngăn của anh, người đàn ông kiên quyết ở lại làm việc.

Sự khác biệt về lối tư duy

Đó là bài học đầu tiên trong số nhiều bài học mà Carlson nhận được khi làm việc tại Trung Quốc. Tại đây, các nhà quản lí nước ngoài thường phải điều chỉnh đáng kể lối tư duy và ra quyết định theo văn hóa địa phương.

"Trên thực tế, dù toàn cầu hóa đã khiến tư duy người Trung Quốc thay đổi trong những năm gần đây, một vài khác biệt văn hóa quan trọng vẫn giữ nguyên và các nhà quản lí thành công nên hiểu điều đó", Saibal Ray, giáo sư Đại học McGill ở Montreal, Canada cho biết.

"Có lẽ bài học quan trọng nhất là người Trung Quốc thường làm việc nhiều giờ hơn so với hầu hết người phương Tây", Ray nói. Người địa phương cũng rất coi trọng sự trung thành, coi việc đến trước và ở lại sau ông chủ là một trách nhiệm hiển nhiên.

Văn hóa làm việc nhiều giờ

Nhiều nhà quản lí nước ngoài mới làm quen với văn hóa của Trung Quốc sẽ rút ngắn thời gian làm việc vì cho rằng nhiều nghiên cứu khoa học kết luận làm việc lâu hơn thực sự làm giảm năng suất. Tuy nhiên, Ray nói rằng điều này có thể gây ấn tượng sai lầm cho nhiều nhân viên cấp dưới. 

Thay vào đó, ông khuyên các nhà quản lí nên thực hiện cách tiếp cận dần dần để thay đổi. Bạn phải tạo ấn tượng rằng bạn, với tư cách là người quản lí, cũng làm việc chăm chỉ như nhân viên của mình. Sau đó, từ từ, bạn có thể thay đổi giờ làm việc hợp lí hơn.

"Các nhà quản lí nước ngoài cũng có thể khá bối rối khi những nhân viên hiếm khi lên tiếng", Ray nói. Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng nhân viên chỉ cần làm theo định hướng nhiệm vụ, không đưa ra ý tưởng mới hoặc lên tiếng ngay cả khi phát hiện ra vấn đề hay có sáng kiến tốt hơn. 

"Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức người bản địa rằng nếu bạn lên tiếng, bạn sẽ bị kỷ luật", Ray giải thích. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi ngày càng nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và thế hệ trẻ được tiếp xúc với văn hóa quốc tế đang ngày càng táo bạo hơn trong lối tư duy và đưa ra ý tưởng.

xl_4066_TP1

Thay đổi văn hóa công ty tại Trung Quốc thường khiến nhà quản lí phải đối mặt trực tiếp với nhân viên. - Ảnh: BBC

Trong nhiều văn phòng, nhân viên sẽ có xu hướng nhóm lại với nhau và đưa ra quyết định chung. Sau đó, khuyến khích văn hóa thay đổi đồng nghĩa với việc nhà quản lí đang đi ngược lại xu hướng đám đông và buộc phải đối đầu với nhân viên.

"Điều tích cực là quản lí ở Trung Quốc sẽ thực sự giúp bạn trở thành người quản lí tốt hơn", Ray nói. Một khi trở về nước sở tại, bạn cũng sẽ phải đối phó với một vài trường hợp cực đoan khi thay đổi văn hóa công ty. Bài học từ Trung Quốc là vô cùng hữu ích.

Duy trì tính cân bằng tuyệt đối

Đó là điều Micha Benoliel nhận thấy khi thuê các nhà phát triển Trung Quốc làm việc cho ứng dụng FireChat và Open Garden. Đây là loại ứng dụng cho phép người dùng kết nối khi không có mạng. 

Ông đến Trung Quốc khoảng 7 lần/năm và tin rằng bí mật để quản lí thành công là hiểu được tư duy cơ bản của hầu hết người lao động tại đây.

Từ đó, bạn có thể giải quyết mọi vấn đề một cách hài hòa bởi mỗi quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến nhiều điều khác và bạn cần phải luôn luôn nhận thức được điều này.

Ví dụ, một nhà quản lí nước ngoài mới tới đã xuất hiện theo hướng áp đảo, chống lại bất kì ai hoặc phản đối bất kì ý tưởng nào là một sai lầm. Điều này thường sẽ được xem là quá hiếu chiến và là dấu hiệu cho thấy bạn đang đối đầu với nhân viên.

"Tuy nhiên, tiếp cận mọi thứ theo cách hợp lí và mềm mỏng hơn sẽ giúp người quản lí nước ngoài có được đội ngũ nhân lực trung thành, làm việc chăm chỉ hơn bất cứ đâu trên thế giới", Benoliel nói. Người Trung Quốc chỉ sáng tạo trong môi trường có tính hợp tác, tương tự như đối tác phương Tây.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng về công nghệ và sản xuất. Người dân làm việc nhiều gấp đôi so với châu Âu hoặc Mỹ và tốc độ của họ nhanh gấp nhiều lần các quốc gia khác trong cùng khu vực.

Sau 5 năm sống ở Trung Quốc, Carlson hiện là chủ tịch của Nicelink Homeware - công ty nội thất trị giá 110 triệu USD một năm. Anh sống ở Orlando, Florida nhưng cứ vài tháng lại tới Trung Quốc.

Thời gian Carlson ở Trung Quốc đã dạy cho anh hiểu rằng các nhà quản lí nước ngoài có thể thành công ở đó nếu họ sẵn sàng tôn trọng và hiểu cách thức làm việc của người địa phương.

Cuối cùng, Carlson đã cho phép người quản lí cấp thấp bị sa thải làm việc tháng cuối cùng theo hợp đồng. Xử lí tình huống theo phong cách phương Tây và buộc người đàn ông rời đi sẽ khiến các nhân viên còn lại cho rằng lòng trung thành không được đền đáp. 

Quyết định thực sự có hiệu quả. Không chỉ toàn bộ nhóm nghiên cứu đó ngày càng phát triển mà Carlson và người đàn ông đó thậm chí trở thành bạn tốt.

"Đó tất nhiên là kinh doanh và lợi nhuận nhưng quản lí ở Trung Quốc còn là vấn đề về tiếp thu văn hóa địa phương", Carlson nói. Nhà quản lí sẽ có những thách thức và đó cũng là tiềm năng để họ phát triển bản thân đồng thời đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thu Phương

Mua cổ phiếu nào để 'đón sóng' nâng hạng thị trường chứng khoán?
Hàng tỷ USD kỳ vọng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng thành công, qua đó cân bằng với dòng vốn trong nước. Đâu là những nhóm cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ xu hướng này?