BVSC: Lãi suất huy động đã thấp hơn mặt bằng trước dịch COVID-19, lạm phát năm nay chỉ khoảng 3-3,5%
Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 7, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 7% tăng 95 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiếp tục giảm 36 bps so với trung bình quý II và giảm tới 143 bps so với cuối năm 2022.
Lãi suất huy động đã thấp hơn mặt bằng trước dịch
Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại cũng đã thấp hơn so với mặt bằng trước dịch COVID-19, BVSC đánh giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tiền gửi cá nhân theo tháng liên tục chậm lại, và tới tháng 5 ghi nhận ở mức thấp nhất từ tháng 10/2022.
Trong khi đó, đối với tín dụng, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,6 điểm %, bằng 1/3 mức tăng trong nửa đầu năm nay.
Giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy các NHTM cam kết giảm 1,5-2% lãi suất cho vay. Với cam kết này cùng việc lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt, các chuyên gia từ BVSC kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong các tháng tới đây.
Lạm phát cả năm dự báo tăng 3-3,5%
Đáng chú ý, kỳ vọng giảm lãi suất được hỗ trợ nhiều bởi lạm phát trong tầm kiểm soát. Trong tháng 7/2023, chỉ số CPI tăng 2,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ hạ nhiệt của CPI đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI tăng 3,12% thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra.
Trong 7 tháng đầu năm, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục là nhóm có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, 6,49% so với cùng kỳ năm trước do giá nguyên vật liệu, giá thuê nhà, và giá điện đã có diễn biến tăng. Xét về mức đóng góp, nhóm này cùng nhóm thực phẩm tiếp tục là 2 nhóm tạo áp lực tăng lớn nhất lên chỉ số CPI, lần lượt ở mức ở mức 1,23 và 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số CPI.
Ngược lại, nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giúp giảm áp lực tăng lên chỉ số CPI, khi giảm lần lượt 9,29% và 0,95% so với cùng kỳ năm trước, do giá xăng so với cùng kỳ cũng như giá phụ kiện điện thoại thông minh có diễn biến giảm.
Chỉ số CPI tiếp tục tăng ở mức thấp nhưng tốc độ hạ nhiệt đã có phần chững lại. Giá điện tăng trong khi mức giảm giá xăng thu hẹp trong tháng 8 cũng như các tháng tới đây có thể sẽ khiến chỉ số CPI có diễn biến tăng cao hơn.
Dù vậy, BVSC đánh giá, chỉ số lạm phát trung bình vẫn được hỗ trợ bởi mặt bằng cao của chỉ số lạm phát cơ bản trong các tháng cuối năm 2022; mức trung bình thấp trong 7 tháng đầu năm; thuế VAT đã giảm từ đầu tháng 7 và giá thực phẩm đang có diễn biến giảm trở lại so với cùng kỳ.
Với quan điểm thận trọng, khi dự báo CPI các tháng cuối năm có thể tăng trở lại lên trên 3%, nhóm nghiên cứu BVSC vẫn dự báo CPI cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 3-3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Về tỷ giá, so với cuối năm 2022, tính tới ngày 31/7/2023, đồng VND giảm 0,24% so với đồng USD. Với việc Fed đã có kế hoạch dừng tăng lãi suất vào cuối năm nay và hạ lãi suất trong năm 2024, bộ phận nghiên cứu của BVSC cho rằng đồng USD cũng không còn nhiều động lực tăng giá trong nửa cuối năm.
Áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ đồng USD không còn lớn và cán cân thương mại thặng dư, đồng VND sẽ có diễn biến ổn định trong năm 2023, dao động trong khoảng ±2% so với cuối năm 2022.
Lạm phát trong tầm kiểm soát cùng tỷ giá ổn định sẽ giúp NHNN có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, BVSC kỳ vọng.