BVSC: Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, thu hút dòng vốn ngoại
Theo Báo cáo chiến lược quý I công bố mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực.
Định giá hấp dẫn so với các nước trong khu vực
Về phân tích kỹ thuật, so với diễn biến của VN-Index trong quá khứ, hiện P/E của VN-Index đã ở cao hơn mức trung bình 5 năm và đường biên trên của dải +/- 1 phương sai, nhưng vẫn còn ở dưới đường biên trên của dải +/-1.96 phương sai.
Tuy nhiên, theo quan sát của BVSC, với mức P/E hiện tại, xác suất thị trường giảm điểm sau khi cắt lên trên đường biên trên của dải +/-1 phương sai là không cao. Thêm vào đó, với sự hồi phục của nền kinh tế, công ty dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 27,3% vào năm 2021.
Với mức tăng trưởng trên, P/E của VN-Index có thể sẽ giảm về mức 15 lần, thấp hơn so mức trung bình trượt 5 năm – 16,41 lần, mức PE năm 2021 của thị trường vẫn có được sự hấp dẫn.
Thị trường Việt Nam đang hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, tuy nhiên yếu tố cần thiết là khả năng thu hút vốn ngoại, liên thông với dòng vốn đầu tư trên thế giới để mặt bằng định giá của các cổ phiếu Việt Nam ngang với mặt bằng chung.
Đến nay, thanh khoản của thị trường, cùng các quỹ ETF đã góp phần giúp mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam tiến sát hơn tới các thị trường khác trên thế giới.
Tính đến ngày 9/4/2021, so với mẫu 12 thị trường mà BVSC quan sát (bao gồm các quốc gia ở thị trường cận biên, mới nổi và phát triển), P/E của VN-Index hiện ở mức 19,11 – mức thấp thứ 4 trong số 13 thị trường và chỉ cao hơn P/E của chỉ số Shanghai (17,61) của Trung Quốc, Hang Seng (14,86) của Hong Kong và KOSPI (12,99) của Hàn Quốc. Đây cũng là ba thị trường có mức giảm mạnh hơn 10% trong tháng 2 và 3 vừa qua.
Trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đang ở mức cao nhất trong số các thị trường trên. Điều này cho thấy các cổ phiếu nằm trong rổ VN-Index đang được giao dịch tại vùng giá rất hấp dẫn khi so sánh tương quan với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực và quốc tế.
Dòng vốn ngoại đón đầu xu hướng nâng hạng
Vào ngày 29/3/2021, FTSE đã công bố kết quả kỳ đánh giá phân loại thị trường tháng 3. Tại kỳ đánh giá lần này, FTSE ghi nhận nỗ lực cải thiện hành lang pháp lý của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước và việc Luật Chứng Khoán Sửa Đổi có hiệu lực từ tháng 1/2021 được kỳ vọng sẽ mở lối cho việc cải thiện chất lượng thị trường.
Tuy nhiên, do chỉ thoả mãn 7/9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 mà FTSE đưa ra, nên TTCK Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE cho kỳ đánh giá tháng 9/2021.
Tuy nhiên, BVSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 tại kỳ đánh giá nâng hạng năm 2022. Theo ước tính, trong trường hợp Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2, TTCK Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ tracking theo hoặc benchmarking theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-World và FTSE Emerging Markets.
Ngoài ra, TTCK Việt Nam có thể sẽ hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ các quỹ được lập ra để tracking theo các chỉ số chỉ riêng về Việt Nam như FTSE Vietnam Index hoặc FTSE Vietnam 30 Index, do việc được nâng hạng là một tín hiệu khá là tích cực về sự cải thiện chất lượng thị trường.
BVSC kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào TTCK Việt Nam từ nửa cuối năm 2021. Dựa theo bộ tiêu chí của FTSE đưa ra, nhiều khả năng các mã được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này sẽ là các mã có vốn hoá lớn, thoả mãn các điều kiện về thanh khoản, room ngoại và freefloat mà FTSE như VIC, VNM, VHM, HPG, VCB, MSN, VRE...
NHTW tăng lãi suất hay thắt chặt tiền tệ?
Theo quan sát của BVSC, dù có đối diện với đợt tăng lãi suất vào năm 2022, thông thường thị trường cổ phiếu vẫn có thể hồi phục và sau đó tăng điểm trở lại sau những lần thắt chặt tiền tệ đầu tiên.
Lý do là do ngân hàng trung ương (NHTW) các nước thường thực hiện việc thắt chặt tiền tệ từ từ khi nền kinh tế vẫn đang ở trong pha tăng trưởng, khi đó các doanh nghiệp vẫn có được kết quả kinh doanh khả quan và làm giảm bớt tác động của việc tăng lãi suất điều hành.
Do đó, BVSC cho rằng không cần quá lo ngại khi NHTW các nước thực hiện việc tăng lãi suất hay thắt chặt tiền tệ ở những lần đầu tiên.
Hiện nay, với bối cảnh GDP đang tăng trưởng trở lại; các chỉ số vĩ mô khác ổn định; các doanh nghiệp niêm yết sẽ có tăng trưởng tốt trong năm 2021 và xa hơn, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam. Đây là những yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của thị trường trong cả năm 2021.
Tuy nhiên, rủi ro trong ngắn hạn tiềm ẩn khi những thông tin tích cực đã được phản ánh vào giá, dòng tiền mới hút vào thị trường không kịp với tốc độ tăng của giá, dòng tiền bị rút ra từ các cổ đông lớn – hay các công ty bán cổ phiếu quỹ. Bên cạnh đó, khi các cơ hội thu lợi từ cổ phiếu thuần túy xuất phát từ yếu tố dòng tiền, thiếu sự hỗ trợ trong sự thay đổi tích cực mang tính cốt lõi của doanh nghiệp, sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn về khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường.