|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bùng phát vốn ngoại mua doanh nghiệp Việt

07:00 | 20/05/2020
Chia sẻ
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (FDI) lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần DN để có thể vào thị trường Việt Nam nhanh hơn. Từ năm 2018, dòng vốn FDI dịch chuyển từ đầu tư mới sang mua cổ phần chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, thương vụ ầm ĩ nhất là của tỷ phú ThaiBev từng chi tới gần 5 tỷ USD để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco.
Bùng phát vốn ngoại mua doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Năm 2019, tỷ phú ThaiBev chi tới gần 5 tỷ USD thâu tóm cổ phần Sabeco. Ảnh: Anh Tuấn

Sau thương vụ này, xu hướng các ông lớn ngoại mạnh tay chi tiền đầu tư vào các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn. 

Việc góp vốn, mua cổ phần thường giúp DN FDI tận dụng hạ tầng có sẵn, được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi. Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, thị trường M&A có dấu hiệu trở nên sôi động hơn.  Do thiếu tích lũy, DN Việt gặp khó khăn, dễ tổn thương trở thành cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ thâu tóm.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) mới đây, 4 tháng đầu năm 2020, số dự án FDI đăng ký mới giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số thương vụ góp vốn, mua cổ phần qua dòng vốn này lại tăng đột biến.

 Cụ thể, đã có tới 3.210 lượt mua cổ phần, góp vốn, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,3 lần so với số lượt đăng ký vốn FDI mới. Trong đó, có 3 quốc gia có doanh nghiệp thực hiện mua cổ phần, góp vốn tăng trên 40% gồm: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

“Là quốc gia phục hồi sau COVID-19 sớm hơn các nước khác, nhà đầu tư Trung Quốc tăng rót vốn đầu tư qua M&A doanh nghiệp Việt Nam với 557 lượt, tổng vốn góp hơn 230 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái”, thống kê cho biết.

Bùng phát vốn ngoại mua doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Việc DN FDI góp vốn, mua cổ phần của DN trong nước thể hiện rõ nhất tại TP HCM, với số vốn đầu tư theo phương thức này chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký vào TP HCM. Các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất là  công nghiệp chế biến chế tạo (với 822 thương vụ, giá trị hơn 1 tỷ USD); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (hơn 1.000 thương vụ, giá trị trên 500 triệu USD).

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới có khả năng còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Cần lưu ý nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Có dấu hiệu cho thấy, có những DN FDI muốn vào Việt Nam để “rửa xuất xứ” hàng hóa, (đặc biệt là DN FDI đến từ Trung Quốc). Và một trong những ngành có nguy cơ bị DN Trung quốc thâu tóm để “rửa xuất xứ” là ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, gỗ và sản phẩm gỗ  là một trong 15 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 3,4 tỷ USD, tăng 10,1%. Xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ chủ yếu là các DN Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, DN Việt Nam có rất ít cơ hội.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới có khả năng còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Cần lưu ý  nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh DN nội gặp khó khăn, nguy cơ phá sản vì dịch bệnh, một số công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét mua lại DN bất động sản, bán lẻ... Để bảo vệ DN nội, Chủ tịch VCCI đề xuất Chính phủ có phương án tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập trong giai đoạn dịch bệnh.

Kiểm soát mua bán cổ phần lĩnh vực chủ chốt

Đánh giá về nguy cơ DN Việt bị thâu tóm sau đại dịch thông qua hình thức mua bán cổ phần, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Bộ KH&ĐT đã có cảnh báo và báo cáo Chính phủ. “Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành để có những biện pháp cụ thể hạn chế việc DN Việt bị thâu tóm. Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu, tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ DN nội địa. Nhiều nước trên thế giới như Đức, Ý, Tây Ban Nha đưa ra cảnh báo về nguy cơ thâu tóm qua M&A”, ông Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, việc góp vốn, mua cổ phần tại những DN bình thường, nên để diễn ra tự nhiên. Nhưng DN trong lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì phải kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Thời điểm này, Chính phủ nên chủ động có chính sách, kế hoạch thu hút đầu tư. Những lĩnh vực đầu tư nào có thể gây rủi ro về chính trị, kinh tế, xã hội thì cần kiểm soát. Việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư cũng phải đi cùng với quy định tỷ lệ đầu tư của DN FDI để có sự khống chế tỷ lệ hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thế giới đang rất cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nước đang giám sát kỹ về nguồn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường giám sát thậm chí thẩm tra các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các trường hợp nghi ngờ có tình trạng đầu tư núp bóng, ẩn danh, dùng vài ba nhà đầu tư khác nhau để thâu tóm ngành hàng trong nước.

“Cơ quan chức năng cần thiết kế bộ lọc để lựa chọn DN nước ngoài chất lượng. Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của DN trong nước để bảo vệ thị trường”, bà Lan kiến nghị.

Theo các chuyên gia nhiều thương vụ M&A của DN FDI với DN Việt trước đây để lại bài học, khiến DN Việt mất thị trường, thậm chí trở thành DN gia công. Tiêu biểu như dự án góp vốn mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, trị giá 3,85 tỷ USD nhằm sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội vào năm 2019. Bia không phải là ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư. Hơn nữa, dự án này còn tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất bia trong nước. Chấp thuận dự án đầu tư này có thể gọi là “bán” thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, DN Thái Lan chiếm lĩnh nhiều mảng thị trường tại Việt Nam, như ThaiBer mua lại Sabeco, Central Group mua lại Big C, hay C.P Group đang chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Quỳnh Nga