|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VFCA kiến nghị sớm cho phép đưa doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán

07:02 | 18/05/2020
Chia sẻ
Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) mới đây đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Một số giải pháp hướng tới mục tiêu thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là kiến nghị sớm xây dựng cơ chế cho phép đưa doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán.
VFCA kiến nghị sớm cho phép đưa doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Việc cho phép DN FDI lên sàn phải đảm báo nguyên tắc quan trọng là công bằng giữa DN trong nước và DN FDI.

Theo VFCA, sự lây lan của dịch Covid-19 đã kích hoạt làn sóng bán tháo từ thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cho tới các thị trường châu Âu và cả thị trường châu Á. TTCK Việt Nam không phải ngoại lệ.

Hàng loạt chỉ số của TTCK Việt Nam đã giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không ít phiên giao dịch nhà đầu tư tháo chạy, hàng trăm mã cổ phiếu “bán không ai mua”.

VFCA cho biết, nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ giảm điểm của VN-Index vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh hệ lụy của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế được dự báo còn rất phức tạp.

Để TTCK Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn này, VFCA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính 9 giải pháp cụ thể, như: Xây dựng cơ chế điều tiết thị trường (như: giảm biên độ giao dịch, giảm thời gian giao dịch trong ngày hoặc thậm chí tạm ngừng giao dịch) để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong những phiên xảy ra hiện tượng bán tháo; Tiếp tục điều chỉnh giảm giá dịch vụ chứng khoán; Tạo thêm nguồn cổ phiếu cho TTCK thông qua việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước;

Nghiên cứu triển khai các cơ chế mới liên quan đến thanh toán bù trừ, vay/cho vay chứng khoán… nhằm thúc đẩy thanh khoản của TTCK; Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu DN; Có cơ chế khuyến khích DN tham gia đầu tư công, qua đó tạo động lực mới cho TTCK; Nhanh chóng sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trong các kiến nghị của VFCA, đáng chú ý là các giải pháp liên quan đến thu hút nguồn vốn ngoại.

Cụ thể, với kiến nghị thúc đẩy việc sửa đổi, triển khai các quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài như sở hữu nước ngoài tại DN niêm yết, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình triển khai các sản phẩm phục vụ cho nhà đâu tư nước ngoài như NVDR (chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết), các quy định về chuyển tiền…, VFCA nhấn mạnh, sự vận động của TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 20% tổng tài sản trên thị trường và khoảng 14% giá trị giao dịch.

Do đó, giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng lớn tới giao dịch cũng như tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Thực tế cho thấy, chính đà bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian qua là nguyên nhân rất quan trọng khiến thị trường sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề nâng sở hữu nước ngoài (room ngoại) hiện gặp khó từ nhiều phía, từ việc một số ngành nghề kinh doanh bị giới hạn cho đến việc các DN không muốn nâng sở hữu nước ngoài vì sợ bị thâu tóm.

Do đó trong ngắn hạn, việc sớm thúc đẩy triển khai chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR) là giải pháp rất cần thiết để thúc đẩy dòng vốn khối ngoại cũng như nâng tầm TTCK Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng và đón nhận nhiều cơ hội lớn từ làn sóng đầu tư nước ngoài sau khi kinh tế ổn định hơn sau dịch.

“NVDR sẽ giúp DN dễ dàng huy động vốn hơn, đồng thời tránh bị thâu tóm bởi khối ngoại. Chúng ta cần đẩy nhanh rà soát, thực hiện khung pháp lý để triển khai sản phẩm này", ông Lê Long Giang, chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh.

Đại diện Hiêp hội cũng cho rằng, trong các năm tới, vấn đề nới room ngoại vẫn rất cần được quan tâm, nhằm giúp DN dễ dàng tìm kiếm đối tác chiến lược, mở rộng kinh nghiệm quản lý và mở rộng thị trường ra thế giới.

Với kiến nghị thứ 6 về việc sớm có quy định pháp lý cụ thể về việc đưa các DN FDI lên sàn giao dịch chứng khoán, Hiệp hội cho biết, hiện nay, mặc dù đã có một số DN FDI chuyển đổi thành công thành công ty cổ phần nhưng Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết cũng như đăng ký giao dịch cho các DN nghiệp này.

Theo VFCA, DN FDI từ trước đến nay vẫn là một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho các DN này lên sàn là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu từ phía DN FDI, vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Nhà đầu tư có thêm các lựa chọn và TTCK trở thành “hàn thử biểu” của nền kinh tế một cách đúng nghĩa hơn.

Do đó, VFCA kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng, lấy ý kiến và ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc đưa DN FDI lên sàn chứng khoán, trong đó, nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo công bằng giữa DN trong nước và DN FDI.

Hoài Anh