|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khó khăn nào cản bước doanh nghiệp FDI lên sàn?

17:00 | 15/12/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán nội mới chỉ có trên dưới 10 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết trong hơn một thập kỉ qua - một con số khá khiêm tốn so với số lượng hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng vì đâu nên nỗi, do cơ chế hay nhà đầu tư không mặn mà với các cổ phiếu gốc ngoại?
Khó khăn nào cản bước doanh nghiệp FDI lên sàn? - Ảnh 1.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI niêm yết phải đối mặt với tăng trưởng âm trong lợi nhuận ròng sau thuế. Ảnh: THÀNH HOA

Trắc trở mang tên “cơ chế”

Công ty cổ phần Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (Fortress - FTV) - nhà sản xuất dụng cụ làm vườn của Đài Loan và Công ty Seoul Metal Việt Nam (SMVC) - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm rèn nguội như ốc vít siêu mỏng của Hàn Quốc là hai trong số các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang mong muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Fortress đã có một thời gian khá dài cho công tác chuẩn bị như chuyển đổi mô hình thành công ty đại chúng từ năm 2016 và niêm yết cổ phiếu trên sàn OTC như một bước đệm để tiến tới chuyển lên sàn giao dịch chứng khoán chính.

Trao đổi với TBKTSG, ông Timothy Hsu, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư của Fortress, cho biết khi công ty này quyết định niêm yết vào năm 2017, ban lãnh đạo công ty đã nhận thức được các quy định về niêm yết chứng khoán đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn chưa rõ ràng và cụ thể. 

Nhưng sau khi hoàn thiện hồ sơ niêm yết và nộp tới Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), công ty này đã không lường được tình huống sẽ mất quá nhiều thời gian để xin phép các cơ quan có thẩm quyền đưa cổ phiếu FTV lên sàn HOSE.

“Các cơ quan có thẩm quyền muốn thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho việc niêm yết các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhằm làm giảm bớt lo ngại các công ty này báo lỗ và rút vốn sau khi niêm yết. 

Nhưng để có được một khuôn khổ hoàn chỉnh sẽ mất thời gian, vì các bộ, ngành cần thảo luận về các chính sách và quy định liên quan đến các vấn đề pháp lý và kinh doanh khác nhau”, ông Timothy nhận định.

Cùng chung hoàn cảnh, sau khi niêm yết trên sàn OTC, Seoul Metal cũng muốn sớm lên sàn HOSE để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu SMVC và thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức. 

Nhưng cũng như Fortress, cổ phiếu của công ty này đang gặp nhiều khó khăn và trắc trở mang tên “cơ chế - chính sách” khi các bộ, ngành liên quan cho biết hiện chưa có hướng dẫn niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư và chứng khoán hiện hành không hạn chế hoạt động trên.

Ngoại có hấp dẫn?

Khó khăn nào cản bước doanh nghiệp FDI lên sàn? - Ảnh 2.

Nhờ có cơ chế thí điểm cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, hơn 10 năm trước, các công ty như Công ty cổ phần Everpia (EVE) và Công ty cổ phần Mirae (KMR) chuyên sản xuất các sản phẩm và phụ kiện may mặc và dệt may, Công ty cổ phần Dây và cáp điện Taya Việt Nam (TYA) hay Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (TKU) đã lên sàn thành công, qua đó có cơ hội tăng vốn và mở rộng kinh doanh. 

Tuy nhiên, diễn biến giao dịch của các mã cổ phiếu này tại thời điểm hiện tại lại không mấy khả quan, giá trị cổ phiếu có phần èo uột (xem bảng).

Ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dẫn dữ liệu của Bloomberg cho biết tính đến quí 3-2019, doanh thu thuần của các doanh nghiệp FDI niêm yết qua HOSE và HNX hầu hết đều dương nhưng mức tăng doanh thu nhỏ hơn 0 (lần lượt là âm 5% và âm 3,5% trong 12 tháng gần nhất). 

Hầu hết các doanh nghiệp FDI này phải đối mặt với tăng trưởng âm trong lợi nhuận ròng sau thuế.

“Chúng tôi tin rằng sự cạnh tranh khốc liệt từ cả đối thủ trong nước và quốc tế là gốc rễ vấn đề tại các doanh nghiệp FDI này. 

Ví dụ, Công ty cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR) đang sản xuất gạch men phải cạnh tranh với rất nhiều nhà sản xuất trong nước như Công ty Viglacera và cả công ty có vốn nước ngoài như Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih (UpCom:CYC)”, ông Kang phân tích.

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Taicera là âm 114,2 tỉ đồng, trong khi đó, Chang Yih báo lỗ 38,44 tỉ đồng, mức lỗ tăng gần 400% so với năm 2017.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), hoạt động kinh doanh chung của nhiều doanh nghiệp FDI thiếu tính ổn định, biến động khó lường và lợi nhuận qua từng năm hầu như không có sự đột phá. 

Vì vậy nhà đầu tư nản lòng, giá cổ phiếu đi xuống và sau thời gian dài lên sàn, phần lớn các cổ phiếu dần dần thu hẹp thanh khoản và gần như không còn được nhà đầu tư để ý.

“Các công ty FDI niêm yết đời đầu này phần lớn cũng thuộc cỡ nhỏ và vừa. Hoạt động doanh nghiệp sau năm, bảy năm vẫn không có sự lớn mạnh nhiều về vốn chủ sở hữu, trong khi một số cổ đông tổ chức lớn dần dần thoái vốn mạnh đã làm mất lòng tin cổ đông nhỏ lẻ”, ông Khanh đánh giá.

Tương lai nào cho các doanh nghiệp FDI muốn niêm yết?

Ông Kang của Mirae Asset nhận xét trên thực tế, việc niêm yết các công ty FDI đã nhận được sự quan tâm lớn từ cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các công ty trong nước có ít khả năng cạnh tranh, như lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, các công ty FDI thường có thế mạnh về năng lực quản lý, kinh nghiệm thị trường và chiến lược phát triển so với các công ty nội. “Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư có kỳ vọng cao cho các cổ phiếu này. 

Nhưng trên thực tế, chỉ với khoảng 10 công ty niêm yết, các nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn và nhược điểm là khi có một vài công ty hoạt động kém, chúng sẽ ảnh hưởng đến cả nhóm cổ phiếu doanh nghiệp FDI”, vị tổng giám đốc này nhận xét.

Theo luật sư Tuấn Nguyễn của Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers), qua thực tiễn niêm yết của một số doanh nghiệp FDI, đã xuất hiện một số tồn tại như hoạt động kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu lao dốc, thậm chí có doanh nghiệp phải hủy niêm yết vì nghi vấn chuyển giá, tận dụng các ưu đãi về thuế để kéo dài lỗ lũy kế, gây những hệ lụy trong khâu quản lý.

“Đó có thể là một trong những nguyên nhân mà cơ quan nhà nước trì hoãn việc chấp thuận cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết. Có thể thấy, Việt Nam đang tập trung nguồn lực vào mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển thị trường tài chính”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhu cầu niêm yết của các doanh nghiệp FDI vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tăng vốn để tái đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Khanh của VISecurities, ở khía cạnh tích cực thì những doanh nghiệp FDI tăng vốn sẽ làm đa dạng thị trường chứng khoán, thu hút thêm nhiều khách hàng mới là cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia. 

Đây cũng là kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp lẫn gián tiếp khá hiệu quả mà lâu nay Việt Nam còn bỏ sót.

“Tham khảo quy định của một số quốc gia khác trên thế giới về vấn đề này, không có sự phân biệt về điều kiện niêm yết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đều được đối xử bình đẳng với nhau”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến rủi ro chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI, ông Timothy của Fortress cho biết doanh nghiệp này đã tham vấn Công ty Ernst & Young để đảm bảo tuân thủ các quy định về chuyển giá và cam kết với chính quyền địa phương rằng Fortress (hoặc bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác) sẽ không thoái vốn sau khi niêm yết, bằng cách yêu cầu cổ đông sáng lập phải nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian nhất định và có các quy định chính sách khác nhau cho những người sáng lập doanh nghiệp muốn thoái vốn.

Đối với sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn của cơ quan quản lý, ông Timothy cho biết công ty sẽ không bỏ dở giữa chừng với niềm tin việc các doanh nghiệp FDI được chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Minh Trang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.