|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bức tranh nhiều màu mùa thưởng Tết

16:45 | 26/01/2019
Chia sẻ
“Em vừa nghỉ hẳn ở công ty. Có ráng làm hết năm thì cũng chỉ được thưởng một tháng lương. Chạy xe vầy, ráng cày, Tết còn có tiền xài hơn”, Toàn, tài xế xe ôm công nghệ của ứng dụng Go - Việt lý giải về chuyện đã làm đến tháng 11 tại một công ty gia công trang sức nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận rồi mà vẫn nghỉ, không chờ thưởng Tết.
buc tranh nhieu mau mua thuong tet

Làm thế nào để tiếng nói của người lao động, gồm cả người lao động tự làm và lao động làm thuê, có thể được lắng nghe trong quá trình hoạch định chính sách. Ảnh: THÀNH HOA.

Lạc quan hơn năm trước

Chị Hiền, trưởng phòng kế toán một công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực mua bán đường mía cho biết, ban giám đốc công ty chị đã chốt xong phương án thưởng Tết năm nay. Không có gì xảy ra vào phút cuối thì tiền thưởng của mỗi cán bộ quản lý và nhân viên tại đây sẽ tăng ít nhất 20% so với con số năm ngoái. Với những người có hiệu quả làm việc tốt hơn thì mức tăng sẽ cao hơn đôi chút. Tính ra, mỗi người nhận số tiền thưởng bằng năm tháng lương thực nhận trong năm.

Chị Hiền cho biết, doanh thu của công ty chị năm nay không tốt bằng năm trước dù sản lượng hàng bán được nhiều hơn. Nguyên nhân là do giá đường bán bình quân giảm mạnh, từ mức 14.500 đồng/ki lô gam xuống còn 10.000 đồng/ki lô gam dưới sức ép của đường nhập lậu. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì được mức lợi nhuận. “Quan trọng nhất là năm nay nhân sự tinh gọn hơn, hiệu suất làm việc của mỗi người cao hơn trong khi quỹ lương và quỹ phúc lợi được duy trì nên tiền thưởng tốt hơn”, chị Hiền chia sẻ.

Nhân viên bộ phận truyền thông của một ngân hàng lớn tại TPHCM tiết lộ với TBKTSG rằng, dù chưa nhận thưởng Tết nhưng đã có dấu hiệu “ấm hơn” năm trước. Ngay từ thời điểm kết thúc năm dương lịch 2018, mỗi nhân viên, kể cả quản lý tại đây đã nhận thông báo tăng lương 7% sau một thời gian dài giữ nguyên do ngân hàng này thực hiện tái cơ cấu và không ít nhân viên đã nghỉ việc, chuyển sang đối thủ cạnh tranh do mức lương cao hơn. Năm nay, ngân hàng của chị làm ăn tốt hơn, nợ xấu giảm một nửa và lãnh đạo nhắc đi nhắc lại thông điệp chú trọng vào con người. Tết năm ngoái, tiền thưởng của chị chỉ có một tháng lương, chị đã đi phỏng vấn ở vài nơi để tính chuyện chuyển chỗ làm.

Niềm vui có thưởng Tết và thưởng cao hơn năm trước không chia đều cho tất cả vì rất nhiều lý do, không đơn giản vì thưởng Tết là một khoản khuyến khích, không bắt buộc như Bộ luật Lao động 2012 (điều 103) quy định hay tình hình kinh doanh không lạc quan của doanh nghiệp.

Thông tin từ sở lao động - thương binh và xã hội một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và bộ phận thông tin truyền thông của nhiều doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng... cũng cho thấy tình hình thưởng Tết cho người lao động năm nay nhìn chung lạc quan. Có nhiều nơi, như báo chí đưa, ở những vị trí như giám đốc kinh doanh, còn được thưởng căn hộ trị giá hàng tỉ đồng thuộc dự án công ty đang phát triển hay thưởng xe hơi... Ở TPHCM, một cá nhân làm ở ngành ngân hàng còn nhận mức tiền thưởng lên tới 1,17 tỉ đồng...

Trong khi đó, theo ghi nhận của VietnamWorks thuộc Navigos Group tại “Báo cáo phúc lợi và thưởng Tết năm 2019 tại Việt Nam”, dựa trên ý kiến của gần 500 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc, 30% doanh nghiệp có ý định thưởng Tết cao hơn năm vừa rồi, phổ biến ở mức 5-10%. Còn nếu tính về giá trị của khoản thưởng thì 64% doanh nghiệp cho biết, khoản thưởng sẽ tương đương một tháng lương. Chính sách thưởng dựa trên tình hình kinh doanh của công ty hoặc kết quả công việc hay theo cấp số nhân của tháng lương.

Niềm vui không chia đều cho tất cả

Niềm vui có thưởng Tết và thưởng cao hơn năm trước không chia đều cho tất cả vì rất nhiều lý do, không đơn giản vì thưởng Tết là một khoản khuyến khích, không bắt buộc như Bộ luật Lao động 2012 (điều 103) quy định hay tình hình kinh doanh không lạc quan của doanh nghiệp.

Toàn, lái xe Go - Việt kể, trong hơn hai năm làm cho công ty Hàn Quốc chuyên gia công trang sức, năm nào cũng vậy, dù đơn hàng ít hay nhiều thì mức thưởng cũng chỉ là một tháng lương. Như mức của Toàn là hơn 6 triệu đồng. Hay như anh Minh, một “xe ôm công nghệ” chạy cho Grab, tiền thưởng Tết ở chỗ làm cũ, nơi anh lái xe chở vải đi nhuộm trong ba năm, bao giờ cũng chỉ hơn 5 triệu đồng, bằng mức lương hàng tháng không tăng ca. Hồi còn đi làm, anh Minh đã phải tranh thủ chạy xe Grab buổi tối để có thêm thu nhập nuôi con nhỏ. Và trong cả “cuộc đời đi làm”, bắt đầu từ năm 15 tuổi, nay đã 37 tuổi, từ xưởng cơ khí gia đình bên quận 6 chuyển sang một công ty tư nhân ở quận 8 và gần nhất là công ty may ở quận 7, chỉ ở công ty may anh Minh mới được thưởng Tết và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì vậy mà năm nay, khi đi làm “tự do”, Tết không có gì, anh cũng không thấy lạ.

Những trường hợp như anh Minh, đi làm ở các công ty tư nhân, cơ sở sản xuất cả năm nhưng không được đóng bảo hiểm đầy đủ và Tết cũng không có thưởng không hiếm. Theo Tiến sĩ Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam, dù hệ thống pháp luật của Việt Nam về lao động khá đầy đủ, từ Bộ luật Lao động đến Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế... nhưng rất nhiều người làm công ăn lương không được hưởng các chế độ lao động. Nghĩa là, có hợp đồng lao động nhưng không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội hay mua bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của ILO Việt Nam, tại nước ta, số người làm công ăn lương có hợp đồng lao động hiện là 11,3 triệu (làm việc cho Chính phủ 4 triệu người; cho doanh nghiệp nhà nước 1,4 triệu; cho khu vực tư nhân nước ngoài 2 triệu; cho khu vực tư nhân trong nước 3,9 triệu) và chiếm 22% trong tổng số 52,6 triệu việc làm của cả nước. Bên cạnh đó là 7,2 triệu lao động không có hợp đồng, bao gồm cả tài xế xe ôm, xe taxi công nghệ như Toàn, Minh... Có 22,5 triệu người (chiếm 43% tổng số việc làm) làm việc đồng áng tại gia đình; 11 triệu (chiếm 21%) làm việc tại doanh nghiệp gia đình phi nông nghiệp.

Số liệu và thực tế cho thấy, gần 80% lực lượng lao động Việt Nam nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật lao động. “Tài xế Grab là dạng thức việc làm mới và sẽ còn nhiều nữa do tác động của công nghệ. Và đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề của hàng loạt nước trên thế giới như Mỹ hay Hàn Quốc”, Tiến sĩ Lee nói.

Vì vậy, theo Tiến sĩ Lee, bài toán đặt ra là làm thế nào để tiếng nói của người lao động, gồm cả người lao động tự làm và lao động làm thuê, có thể được lắng nghe trong quá trình hoạch định chính sách. Điều này sẽ được thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất là các điều khoản pháp luật về lao động liên quan đến hợp đồng lao động để bảo vệ những người có hợp đồng. Thứ hai là các điều khoản liên quan đến tổ chức công đoàn. Ở nhiều nước, công đoàn đại diện cho người lao động nói chung, không nhất thiết là người lao động làm thuê. Khi đó, những người lao động tự làm cũng sẽ được bảo vệ.

buc tranh nhieu mau mua thuong tet

Xem thêm

Minh Tâm