Bức tranh kinh tế thế giới đã thay đổi rõ rệt
Theo trang mạng của Viện Lowy (Australia), động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã thay đổi rõ rệt so với cách đây 30-40 năm.
Trong hơn hai năm qua, cuộc tranh luận kinh tế toàn cầu chủ yếu xoay quanh việc giá cả tăng, lãi suất tăng, khả năng xảy ra suy thoái và thất nghiệp gia tăng. Kết thúc năm 2023, cuộc tranh luận kéo dài đó cũng đã kết thúc.
Lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh điểm cách đây hơn một năm, ở cả Australia lẫn Mỹ. Lạm phát có xu hướng giảm kể từ đó. Nếu xu hướng này tiếp tục, lạm phát sẽ về trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương vào nửa cuối năm 2024.
Không nên lo lắng về việc kinh tế Australia và Mỹ suy thoái bởi tỷ lệ thất nghiệp ở cả hai nước này vẫn dưới 4%. Với lạm phát giảm và tăng trưởng sản lượng chậm lại, hầu hết các ngân hàng trung ương đã ngừng tăng lãi suất. Việc lãi suất được cắt giảm sẽ không diễn ra sớm, nhưng giai đoạn thắt chặt có lẽ đã kết thúc ở Mỹ, Australia và châu Âu.
Cả đại dịch COVID-19 và giai đoạn lạm phát hậu dịch bệnh hiện đã lùi lại phía sau. Đã đến lúc suy ngẫm về những gì xảy ra tiếp theo. Một số xu hướng quan trọng từng xác định trải nghiệm kinh tế thế giới trong 3 hoặc 4 thập kỷ qua giờ đây không còn quan trọng nữa.
Quy mô kinh tế của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 30 năm qua, đóng góp hơn 1/4 tăng trưởng kinh tế thế giới. Với việc dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm kể từ năm 2010 và khó đạt được mức tăng năng suất cao hơn, tăng trưởng sản lượng của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại từ khoảng 5% trong năm nay xuống còn 4,5% trong năm tới.
Trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể là 3% hoặc ít hơn. Mức sống của người dân Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và ngày càng nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc sẽ tiến tới giới hạn công nghệ toàn cầu.
Là nền kinh tế lớn thứ nhất hoặc thứ hai trên thế giới, kinh tế Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng đối với thế giới, giống như kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đóng góp to lớn của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nhà sản xuất tài nguyên như Australia sẽ dần giảm bớt.
Tăng trưởng thương mại đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài trong vài thập kỷ tới.
Cách đây 30 năm, xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đến năm 2008, xuất khẩu chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu. Ngày nay, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP gần như tương đương với năm 2008, có nghĩa là xuất khẩu đã chậm lại so với tốc độ tăng trưởng GDP nói chung.
Các nền kinh tế giàu có chủ yếu sản xuất dịch vụ, nhưng dịch vụ lại không dễ dàng di chuyển xuyên biên giới như hàng hóa. Toàn cầu hóa, được đo bằng tỷ trọng thương mại trong sản lượng, không hề đi lùi mà đã ổn định từ lâu. Điều đó loại bỏ một động lực khác của tăng trưởng kinh tế thế giới.
Lãi suất dài hạn bắt đầu có xu hướng giảm cách đây 40 năm, trước tiên là để giảm lạm phát và sau đó là cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sau đó là đại dịch COVID-19.
Năm 1984, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ là 14%. Đến giữa năm 2020, con số này chỉ ở mức trên 0,5%. Lãi suất trái phiếu Australia theo sát mô hình của Mỹ. Lãi suất thấp hơn đã giúp giá cổ phiếu Mỹ tăng gấp 8 lần và tài sản danh nghĩa của Mỹ tăng gấp 10 lần. Đợt giảm lãi suất kéo dài đó cũng đã kết thúc. Lãi suất trái phiếu của Mỹ đã trở lại mức cũ khi thế kỷ này bắt đầu.
Nhắc đến nguy cơ lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ không cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức rất thấp. Hầu hết các chính phủ đều tích lũy khoản nợ đáng kể khi họ ứng phó với cuộc khủng hoảng năm 2008 và đại dịch COVID-19. Họ có nhu cầu tiếp tục đảo nợ, được tăng cường bởi mức thâm hụt mà hầu hết các chính phủ đang gặp phải.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang cạn kiệt kho trái phiếu chính phủ mà họ tích lũy được, làm tăng thêm khoản nợ mà chính phủ cần bán ra thị trường. Thật khó để thấy lợi suất trái phiếu chính phủ - chuẩn mực cho hầu hết các lãi suất khác - có thể giảm nhiều như thế nào.
Đúng là sự suy giảm cơ hội có thể làm giảm lợi tức đầu tư kỳ vọng, nhưng cũng đúng là dân số già ở Trung Quốc và hầu hết các nước giàu có thể làm giảm mức tăng trưởng tiết kiệm hộ gia đình. Suy cho cùng, mục đích tiết kiệm của nhiều hộ gia đình là để trang trải cho việc nghỉ hưu.
Cuối cùng là vấn đề năng suất. Trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế học đã dự đoán sai về sự tăng vọt năng suất sẽ bắt đầu hoặc kết thúc khi nào, hoặc tại sao. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế giàu có – bao gồm Australia, Mỹ và các nước ở châu Âu – đã không thấy năng suất tăng lên trong một thời gian dài.
Sự tăng trưởng của một nền kinh tế có thể được coi là sự tăng trưởng của số giờ làm việc cộng với tốc độ tăng trưởng sản lượng trên mỗi giờ làm việc, tức là năng suất lao động.
Ở các giai đoạn khác nhau trong 40 năm qua, tăng trưởng năng suất đã hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế chung. Tuy nhiên, điều đó hiện không – hoặc ít nhất là chưa – diễn ra. Nếu tăng trưởng lực lượng lao động chậm diễn ra đồng thời với tăng trưởng năng suất chậm thì kết quả là thu nhập và sản xuất sẽ tăng trưởng chậm.
Vậy còn tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt, khả năng của trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử…. thì sao? Và cả sự chuyển đổi lớn sang công nghệ xanh? Liệu những thay đổi này có làm tăng năng suất đáng kể không? Câu trả lời có lẽ là “có thể”. Tuy nhiên, thực tế là thời kỳ tăng trưởng năng suất kém kéo dài lại trùng hợp với sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong khoảng thập kỷ qua.
Một số công nghệ giúp tăng sản lượng mỗi giờ làm việc. Một số khác chỉ làm cho cuộc sống của con người trở nên thú vị hơn hoặc phức tạp hơn.
Hãy nhớ rằng xe điện thay thế xe chạy xăng và các hình thức sản xuất năng lượng mới thay thế các hình thức sản xuất năng lượng hiện có. Đó là những thay đổi chúng ta cần thực hiện để cứu hành tinh – nhưng không hứa hẹn cụ thể về việc tăng năng suất hơn so với những thứ chúng thay thế.
Trường hợp tốt nhất sẽ là giai đoạn phát triển bền vững với mức tăng trưởng sản lượng trung bình thấp hơn rõ rệt so với 30 hoặc 40 năm qua và mức tăng trưởng khiêm tốn hơn nhiều về giá trị tài sản tài chính. Đó sẽ không phải là một con đường tồi một khi chúng ta chấp nhận tính tất yếu của nó.
Thế nhưng, chúng ta có thể mong đợi những cuộc đấu tranh gay gắt hơn về việc phân phối thu nhập và của cải. Khi thu nhập tăng lên mạnh mẽ, ngay cả những người nghèo nhất cũng kiếm được một số lợi ích. Nhưng khi thu nhập chỉ tăng chậm thì khó có thể làm cho một nhóm khấm khá hơn mà không làm cho nhóm khác bị thiệt hại.