Brexit trong mắt các chuyên gia tài chính châu Âu
Các chuyên gia tham gia trả lời phóng vấn với CNBC đều đưa ra ý kiến riêng của mình về vấn đề Brexit, nhưng hầu hết đều thống nhất về quan điểm London sẽ mất đi vai trò trung tâm tài chính thế giới sau Brexit. |
Mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Anh đến từ những nỗ lực làm giảm sự thống trị của thành phố London trong ngành dịch vụ tài chính. Lãnh đạo các lục địa, chính trị gia, và nhiều nhà chức trách sẽ chấm dứt quyền giao dịch sản phẩm tài chính ở khắp EU của London, và di dời hàng ngàn việc làm khỏi nơi này.
Theo eFinancialCareers, công dân EU đại diện cho 35% người lao động làm việc trong những ngân hàng mua lại, sáp nhập và đầu tư ở London. Một vài ngân hàng lớn, bao gồm Goldman Sachs, đã công bố kế hoạch di chuyển nhân viên của họ sang các thành phố khác của châu Âu.
CNBC tiến hành phỏng vấn 10 chuyên gia trong ngành tài chính, từ những nhân viên mới làm việc trong ngân hàng đầu tư tới các chuyên gia phân tích cấp cao để tìm hiểu họ nghĩ gì về Brexit, và sự kiện này ảnh hưởng tới cuộc sống của họ như thế nào, cũng như đến toàn thành phố London. Để đảm bảo những người được hỏi sẽ trả lời trung thực và thoải mái, các cuộc phỏng vấn được tiến hành dưới hình thức nặc danh.
“Brexit sẽ là một sự thất bại”
Hầu hết những người tham gia phỏng vấn không nghĩ rằng Anh sẽ có lợi khi quyết định rời khỏi EU, chủ yếu là trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia về tiền tệ tại một ngân hàng châu Âu trả lời CNBC rằng Brexit sẽ là một thất bại. Bên cạnh đó, bà nói thêm: “Nền kinh tế Anh đang tự hủy duyệt”.
Một chuyên gia kinh tế cấp cao người Anh cũng đưa ra quan điểm kinh tế tương tự: “Brexit sẽ là một thất bại. Đây không phải là một điều kiện cần thiết để vực dậy nền kinh tế Anh”.
Kinh tế Anh đã tránh được sự sụp đổ mà nhiều chuyên gia kinh tế học dự báo sẽ xảy ra, sau kết quả đầy bất ngờ của cuộc bỏ phiếu rời EU vào năm ngoái. Tuy nhiên, gần một năm sau đó, số liệu kinh tế chỉ ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có dấu hiệu chậm lại.
Trong tháng 5, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh cho biết GDP chỉ tăng 0,2% trong quý I/ 2017, từ mức tăng trưởng 0,7% trong 3 tháng cuối năm 2016. Bên cạnh đó, giá cả tăng trong bối cảnh Brexit có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng.
Brexit - ý tưởng tồi tệ nhất trong chính trị quốc tế
Ngoài ra, Brexit cũng mang lại những hậu quả về chính trị. “Brexit là một ý tưởng tồi tệ nhất mà tôi từng được thấy trong chính trị quốc tế. Nó đang hủy hoại nước Anh”, chuyên gia kinh tế về khu vực đồng tiền chung châu Âu tại một công ty tư vấn trả lời phỏng vấn CNBC qua điện thoại.
Tuy nhiên, một trong số 10 người tham gia trả lời phỏng vấn nhận định rằng Brexit sẽ là một thất bại, nhưng là đối với EU. “Tôi nghĩ đây sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc của EU”, người đứng đầu phòng chiến lược ngoại hối tại một ngân hàng châu Âu cho biết.
Brexit - nguyên nhân khiến nhiều người dân phải rời khỏi Anh
Một chuyên gia chiến lược tiền tệ phân tích câu trả lời theo hai khía cạnh, đối với nước Anh và cuộc sống riêng của bà. “Tôi rất lo ngại cho nền kinh tế Anh, thị trường nhà đất hiện đang rất yếu và tiết kiệm ở mức thấp. Bên cạnh đó, bất ổn chính trị về tình hình thương mại trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới đầu tư, vì vậy đây là mối lo trong dài hạn”.
Bà cho biết thêm: “Mối đe dọa đối với nền kinh tế không làm bất kỳ ai vui vẻ”.
Bà nói thêm việc di chuyển tới nơi ở mới với hai đứa trẻ ở độ tuổi thành niên sẽ rất rắc rối. “Tôi không muốn đi, nhưng không có lựa chọn nào khác. Điều này thật là đáng tiếc. Tôi sẽ cố gắng để ở lại London, và sẽ chỉ xem xét việc di dời nếu nhận được khoản bồi thường lớn”, bà cho biết.
Những người có ít kinh nghiệm làm việc và không có con nhỏ sẽ sẵn sàng di chuyển hơn, nhưng dĩ nhiên sẽ vẫn cần có một mức bồi thường hợp lý.
London sẽ đánh mất vai trò trung tâm tài chính thế giới
(Nguồn: CNBC) |
Với việc ngân hàng và nhiều công ty tài chính di chuyển nhân viên của mình tới những trụ sở mới để tiếp tục giao dịch bằng đồng euro và những bất ổn xung quanh quyền lợi của người dân châu Âu sống tại Anh, vẫn chưa rõ ràng về tương lai của London. Tuy nhiên, hầu hết những người tham gia phỏng vấn tin rằng vai trò của London sẽ giảm đi.
Châu Âu sẽ chẳng còn bất kỳ một trung tâm tài chính nào có tầm ảnh hưởng thế giới nữa
“Tôi nghĩ London sẽ mất đi vai trò quan trọng là một trung tâm tài chính sau Brexti. Công ty đã và sẽ tiếp tục điều chuyển nhân viên tới các thành phố khác ở khắp châu Âu. Trong khi đó, tôi không nghĩ bất kỳ thành phố nào của châu Âu có thể thay thế London để trở thành trung tâm tài chính thế giới. Vì vậy, tôi lo ngại rằng từ này về sau châu Âu sẽ không có bất kỳ một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế nữa”, chuyên gia phân tích mới vào nghề tại một trong những ngân hàng đầu tư nổi tiếng cho biết.
Một nhân viên ngân hàng cấp cao, người đã sống ở London 30 năm cũng đưa ra quan điểm tương tự: “London sẽ không biến mất nhưng vai trò của thành phố này sẽ giảm dần”.
Tuy nhiên, một chuyên gia nhận lời phỏng vấn khác đưa ra quan điểm khá lạc quan về tương lai của London. “Tôi không nghĩ sẽ có thay đổi lớn. Cuối cùng, mọi người sẽ không dời đi. London vẫn sẽ là thành phố tốt nhất để sinh sống. Nơi đây có trường học tốt nhất, hệ thống giao thông tốt nhất, các gia đình sẽ không di chuyển tới thành phố khác của châu Âu. Bạn có thể sẽ thấy người dân làm việc 2 – 3 ngày và sau đó nghỉ tại nhà ở Anh”, chuyên gia này cho biết.